Nội dung này được Bộ Công Thương đề cập tại dự thảo tờ trình kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII - cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn, lưới điện trong quy hoạch này. Đây là lần thứ tư bản thảo kế hoạch được đưa ra lấy ý kiến, sau 3 lần trình cấp có thẩm quyền nhưng chưa đạt yêu cầu.
Quy hoạch điện VIII xác định phát triển tới 2030 công suất điện gió trên bờ khoảng 21.880 MW; điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm 2.600 MW; điện sinh khối, rác là 2.270 MW và thủy điện 29.346 MW.
Theo quyết định 500 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương rà soát dự án điện (gồm dự án điện mặt trời tập trung) theo 9 tiêu chí để làm cơ sở đánh giá mức độ đáp ứng của các dự án. Đến giữa tháng 11, có 43 địa phương phản hồi nhưng bộ này nhận thấy danh mục dự án nguồn điện các tỉnh đề nghị phát triển quá lớn so với nhu cầu tại quy hoạch.
Số liệu thống kê với điện tái tạo (điện gió trên bờ, thủy điện nhỏ, điện sinh khối, điện rác) và thủy điện nhỏ cho thấy, 27 địa phương có tiềm năng phát triển điện gió trên bờ với tổng công suất 12.773 MW, nhưng đề xuất danh mục dự án lên tới 47.416 MW, tức gấp 3,7 lần.
Tại 23 địa phương có thủy điện nhỏ, công suất đề nghị làm cũng gấp 1,7 lần, khoảng 4.025 MW. Tương tự, công suất điện sinh khối được các địa phương đề nghị đưa vào danh mục đầu tư, phát triển gấp 4,4 lần (1.805 MW); điện rác gấp 1,7 lần (1.116 MW).
Theo Bộ Công Thương, lượng công suất nguồn điện tái tạo được yêu cầu lập danh mục chỉ chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn điện tăng thêm của hệ thống. Các thông tin số liệu không đáp ứng yêu cầu, nên bộ này đề nghị thêm thời gian để địa phương hoàn thiện danh mục dự án và phê duyệt làm hai giai đoạn.
"Hầu hết địa phương chưa đề xuất danh mục dự án theo các tiêu chí đưa ra, nhất là thông tin về pháp lý các dự án đang triển khai hoặc đã giao chủ đầu tư nhưng chưa thực hiện theo các kết luận thanh, kiểm tra, kiểm toán", Bộ Công Thương đánh giá.
Riêng với nguồn điện mặt trời tập trung đã có trong quy hoạch, giao chủ đầu tư triển khai (công suất hơn 2.330 MW), Bộ Công Thương yêu cầu các địa phương rà soát dự án, nhưng thông tin phản hồi chưa đầy đủ nên chưa xem xét tiến độ cụ thể trong kế hoạch này.
Mặt khác, công suất điện mặt trời tăng thêm tại quy hoạch điện VIII là 4.100 MW, gồm 1.500 MW điện mặt trời tập trung, còn lại là mái nhà. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh cũng đề cập việc bổ sung các dự án điện mặt trời là không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị giao UBND các tỉnh có dự án tiếp tục rà soát, báo cáo Thủ tướng.
Liên quan tới điện gió ngoài khơi, dự kiến phát triển 6.000 MW tới 2030. Tại dự thảo kế hoạch lần này, Bộ Công Thương giữ quan điểm chỉ tính quy mô công suất loại nguồn này theo vùng trên nguyên tắc đảm bảo các tiêu chí tối ưu cơ cấu nguồn, phát triển tại các vùng có tiềm năng gió tốt và khả năng đấu nối, giải tỏa công suất.
Cơ quan quản lý năng lượng giải thích, hiện hành lang pháp lý cho điện gió ngoài khơi chưa rõ ràng, khi quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt. Tức là, hiện chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển, nên tiếp cận các thông tin liên quan tới an ninh quốc phòng, hạ tầng dầu khí, khoáng sản bị hạn chế.
Đến 2030, Việt Nam sẽ nhập 5.000 MW từ Lào, có thể tăng lên 8.000 MW khi điều kiện thuận lợi, giá điện hợp lý.
Với nguồn điện tái tạo để xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới, Bộ này cho biết sẽ phát triển ở các vị trí có tiềm năng suất khẩu điện ra nước ngoài là miền Trung, miền Nam. Quy mô xuất khẩu 5.000-10.000 MW đến năm 2030 khi có các dự án khả thi.
Tương tự, các loại năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh) cũng phát triển ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ - nơi có tiềm năng và thuận tiện vận chuyển. Nguồn điện này sẽ được xác định rõ khi có các dự án khả thi về công nghệ, giá thành.
Để đảm bảo an ninh cung cấp điện, trường hợp các dự án nguồn điện trong kế hoạch gặp khó khăn khi triển khai, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng đẩy sớm tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau hoặc chọn dự án khác thay thế.
Quy mô vốn ước tính để phát triển các loại nguồn điện được Bộ Công Thương tính toán gần 120 tỷ USD. Trong đó, gần 76% là vốn tư nhân (gần 91 tỷ USD), Nhà nước chỉ chiếm 24%. Vốn đầu tư công, khoảng 50 tỷ USD, ưu tiên dành để hoàn thiện chính sách, tăng năng lực ngành điện. Vốn cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo gần 29.800 tỷ đồng, hiện cân đối được khoảng 30%.
Anh Minh