Hôm nay (23-11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, sau khi các đại biểu đã thảo luận tổ về dự luật này hôm 2-11.
Giáo viên mầm non cần có độ tuổi nghỉ hưu riêng?
Liên quan đến quy định về tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng quy định về tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non hiện chưa phù hợp, vì đặc thù của giáo viên mầm non có nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng trẻ em từ 2 đến 6 tuổi, đây là lứa tuổi khá hiếu động.
Trong suốt quá trình làm việc, giáo viên mầm non phải tổ chức nhiều hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa hát, thể dục, chăm sóc trẻ, do đó, giáo viên mầm non phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để chăm sóc, dạy dỗ, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng xác định giáo viên mầm non là trường hợp đặc biệt, Chính phủ quy định đối với đối tượng này cho phù hợp với đặc thù vị trí nghề nghiệp, hoặc bổ sung giáo viên mầm non thuộc nhóm lao động nặng nhọc, độc hại.
Trước đó, theo báo cáo tiếp thu ý kiến đại biểu của Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan chủ trì soạn thảo), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét chuyển nhóm giáo viên mầm non vào nhóm lao động nặng nhọc, độc hại. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể riêng liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non.
Như vậy, nếu theo ý kiến đại biểu, khi đưa giáo viên mầm non vào nhóm lao động nặng nhọc, độc hại thì tuổi nghỉ hưu của nhóm giáo viên này sẽ giảm so với quy định hiện nay. Bởi Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với người lao động trong điều kiện lao động bình thường.
Về ý kiến đại biểu nêu, cơ quan soạn thảo cho biết theo nguyên lý và thông lệ các nước khi xây dựng chế độ hưu trí đều quy định người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
"Quy định này đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó đảm bảo an toàn và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn", theo Bộ LĐ-TB&XH.
Cũng theo cơ quan này, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan.
Chính vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Bên cạnh đó, đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).
Từ đó, cơ quan soạn thảo nêu quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất - tức sẽ có không có quy định riêng đối với nhóm giáo viên mần non như đại biểu ý kiến.
Giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu góp phần giảm rút BHXH 1 lần
Cũng liên quan đến tuổi nghỉ hưu, thảo luận tại tổ có ý kiến đại biểu đề nghị xem xét việc giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm và tuổi nghỉ hưu tăng lên 60, 62 tuổi là có mâu thuẫn hay không, bởi người lao động phải chờ quá lâu.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của những đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng chưa đủ 20 năm.
Quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014, có trên 476 nghìn người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53 nghìn người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 20 năm đóng BHXH đã lựa chọn hưởng BHXH một lần; có trên 20 nghìn người đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ thời gian đóng phải đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương.
Đây là lý do để dự thảo quy định giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu. "Việc quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian đóng BHXH ngắn nêu trên từ chỗ không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng, được bảo đảm BHYT khi đủ tuổi nghỉ hưu; quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu", theo cơ quan chủ trì soạn thảo.
Còn đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.