Sáng 23-11, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM và Hội Di sản văn hóa phối hợp tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng di tích, bảo tàng và trao giải hội thi Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM.
Di tích Gò Môn, Bệnh viện Mắt, Nhà thiếu nhi TP.HCM thành di tích
Tại buổi lễ, ban tổ chức công bố quyết định của UBND TP.HCM về việc xếp hạng di tích cấp thành phố cho ba đơn vị.
Đó là di tích căn cứ Quận Gò Môn (ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM); di tích kiến trúc nghệ thuật Bệnh viện Mắt TP.HCM và di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà thiếu nhi TP.HCM.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng đã công bố quyết định xếp hạng di tích, bảo tàng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Theo đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xếp hạng I.
Đồng thời, ban tổ chức cũng công bố quyết định xếp lại hạng I đối với Bảo tàng Lịch sử thành phố, Bảo tàng Thành phố và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Cũng trong sáng nay, ban tổ chức trao giải hội thi Phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Bà Lê Tú Cẩm - chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM - cho biết ban tổ chức nhận được 120 bài viết dự thi. Trong đó có 31 bài viết được chọn vào vòng chung kết.
Bà Lê Tú Cẩm đánh giá nội dung các bài viết đa dạng, tạo được sức cuốn hút về văn hóa Hồ Chí Minh, giúp cho cho mọi người hiểu hơn, yêu hơn giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Giải nhất hội thi trao cho bà Trương Thị Thanh Nhã - hội viên Chi hội Di sản Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Hồ Chí Minh.
Giải phong trào trào cho Phòng Văn hóa và Thông tin quận 11 - đơn vị có nhiều bài viết tham gia hội thi.
Phát huy giá trị di sản văn hóa qua các đề án
Ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - ôn lại ý nghĩa của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
"Hoạt động quản lý di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP.HCM đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo và khai thác có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng xâm hại di tích, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định tại di tích.
Điều này góp phần quan trọng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Các quận, huyện đã chủ động xây dựng, ban hành quy chế về quản lý các cơ sở tín ngưỡng, di tích trên địa bàn quản lý" - ông Trần Thế Thuận nhấn mạnh.
TP.HCM hiện có 188 di tích được xếp hạng gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 128 di tích cấp thành phố. Thời gian qua, hơn 40 di tích đã được tu bổ, tôn tạo và đầu tư tu sửa cấp thiết.
Ông Trần Thế Thuận cho biết thêm ban giám đốc Sở đặc biệt chú trọng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án phát huy những giá trị di sản văn hóa thông qua đề án phát triển ngành văn hóa đến năm 2035; thực hiện chính sách tài năng, cơ chế đặc thù thu hút nhân tài, tạo động lực phát triển văn hóa, nghệ thuật, thể thao...
TP.HCM hiện có 17 bảo tàng gồm 11 bảo tàng công lập và 6 bảo tàng thuộc sở hữu tư nhân.
Trong số 11 bảo tàng công lập có 7 bảo tàng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM quản lý. Trong đó, có 4 bảo tàng xếp hạng I, 3 bảo tàng xếp hạng II và 16 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại các bảo tàng.
Ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - cho biết số lượng du khách đến tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử - văn hóa ngày càng tăng, trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước.
UBND TP.HCM nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực 2 di tích đã khoanh vùng bảo vệ.