Đơn cử như vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng xảy ra vào ngày 22-11 hay vụ cướp 3,8 tỉ đồng tại ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP.HCM) ngày 24-10 với tính chất tương tự…
Rủ nhau đi cướp thông qua mạng xã hội
Vụ cướp tại chi nhánh Ngân hàng BIDV quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ngày 22-11 dù hai thanh niên chưa lấy được tài sản nhưng để lại hậu quả nặng nề, một bảo vệ bị đâm chết.
Tại cơ quan công an, hai nghi phạm Trần Văn Trí và Nguyễn Mạnh Cường khai nhận do không có công ăn việc làm, lại đam mê cờ bạc, cá độ bóng đá, game… nên nợ nần tiền bạc, túng quẫn.
Cường và Trí lên mạng xã hội thông qua hội nhóm liên quan đến việc xù nợ, làm liều để trao đổi thông tin, sau đó về ở chung cùng bàn kế hoạch cướp. Ban đầu cả hai rủ nhau đi cướp tài sản tại nhà dân, nhưng sau đó đổi ý định cướp ngân hàng.
Trước đó, ngày 24-10, xảy ra vụ cướp 3,8 tỉ đồng tại phòng giao dịch Sacombank trên đường Nguyễn Văn Bứa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, nhóm thực hiện khai quen biết nhau qua "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều".
Nhóm này gồm Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre). Tại công an, nhóm khai cùng rơi vào tình trạng nợ nần, không có khả năng chi trả, cả ba người tham gia nhóm trên Facebook.
Thấy Mỹ đăng nội dung đang nợ nần và muốn kiếm tiền nhanh vào nhóm, hai người còn lại kết bạn với Mỹ, nhắn tin trao đổi với nhau, bàn kế hoạch cướp phòng giao dịch ngân hàng như trên.
Trong đó, Mỹ là người cầm đầu, Tuyền lái ô tô. Trước khi thực hiện, Mỹ và Lợi mua trên mạng súng nhựa và súng công cụ hỗ trợ (đạn cao su). Tiếp đó mua một xe máy và sơn lại màu đen. Đồng thời phân công Tuyền thuê ô tô hỗ trợ trong quá trình tẩu thoát sau khi thực hiện việc cướp ngân hàng.
"Đang túng quẫn dễ làm liều"
PGS.TS Trương Văn Vỹ - giảng viên xã hội học tội phạm (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng nhiều vụ cướp do các đối tượng quen, bàn bạc, rủ nhau qua các nhóm trên mạng xã hội là thực trạng đáng báo động và cho thấy một mặt trái khác của mạng xã hội đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, đặc biệt của thanh thiếu niên.
Những người có tâm lý tiêu cực dễ phát sinh động cơ xấu, vi phạm pháp luật. Những người ban đầu không có động cơ gì nhưng khi tham gia nhóm, tiếp xúc với những người có tâm lý tiêu cực, động cơ xấu sẽ rất dễ bị lôi kéo.
Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ, thế nên người sử dụng mạng xã hội phải tránh tham gia các hội nhóm có nội dung xấu, độc hại. Khi tham gia các nhóm như thế sẽ dễ bị những người khác kích động.
Có thể bản thân mình chưa có ý định thực hiện hành vi phạm tội, nhưng khi vào các hội nhóm như thế sẽ bị rủ rê cộng với hoàn cảnh thực tại của mình sẽ thúc đẩy hành vi phạm tội cao hơn.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Nam - trưởng Công an huyện Hóc Môn - cho biết qua vụ việc cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn cho thấy nhóm vi phạm pháp luật đã lợi dụng mạng xã hội để kêu gọi, câu kết với nhau.
"Qua vụ việc này chúng tôi khuyến cáo nơi giao dịch về tiền như là các tổ chức tín dụng cần phải củng cố, tổ chức lực lượng bảo vệ chặt chẽ, phòng ngừa sự việc đáng tiếc tương tự" - thượng tá Nam chia sẻ.
Nhóm cướp tại phòng giao dịch Ngân hàng Sacombank ở Hóc Môn mang bom giả trong ba lô đe dọa nhân viên, cướp 3,8 tỉ đồng rồi bỏ trốn.