Vào cuối tháng 11 này, Ford đã chính thức giới thiệu Ford Ranger đời mới tới khách hàng Trung Quốc theo cách chưa có tiền lệ. Họ đã công bố tên gọi lạ hoắc cho dòng xe này tại Trung Quốc là Youqixia (mang nghĩa "Ranger" trong tiếng Trung).
Lựa chọn trên của Ford gây ngạc nhiên. Cùng thời điểm Ranger ra mắt, hãng cũng giới thiệu SUV Bronco tới người dùng khu vực. Tuy nhiên, dòng xe này lại giữ nguyên tên vốn có.
Theo thông tin được phía Ford phát đi tại Trung Quốc, Ford Youqixia sẽ được lắp ráp nội địa với nhiều cập nhật riêng cho phiên bản này so với bản quốc tế. Nội thất xe được đảm bảo tốt hơn, xét tới thị hiếu người dùng Trung Quốc, có lẽ đồng nghĩa với dàn màn hình lớn hơn.
Theo bộ ảnh công bố cho Ford Youqixia, nội thất xe mặc định đã dùng 2 màn hình 12,3 inch cỡ lớn tại táp lô. Nội thất xe bọc da đen khâu chỉ cam tương phản - cách phối màu tương đồng với ngoại thất bên ngoài.
Xu thế off-road được thể hiện khá rõ khi hãng nhấn mạnh công nghệ "ca pô vô hình" trên Youqixia. Công nghệ này sử dụng camera dưới gầm để mang lại tầm nhìn toàn cảnh tại đầu xe cho người lái khi vận hành off-road.
Đây là sáng tạo đã và đang được Land Rover sử dụng rất thành công cho các dòng xe của mình, chẳng hạn Defender. Công nghệ này chưa có trên xe bán tại Việt Nam.
Giá tham khảo cho Ford Youqixia tại Trung Quốc là 264.800 NDT, tương đương 897,3 triệu đồng. Bản tiêu chuẩn dùng động cơ xăng 2.3L EcoBoost 190 mã lực, 450 Nm mô men xoắn.
Bản diesel dùng máy 2.3L Puma có công suất 137 mã lực, giá lại cao nhỉnh hơn một chút (268.800 NDT, tương đương 911,5 triệu đồng).
Do rào cản khí thải, Ford không mang 2 tùy chọn động cơ EcoBoost V6 3.0L và 2.7L tới thị trường Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Ranger chỉ có 2 loại động cơ diesel. Không loại nào giống với mẫu Ranger bản Trung Quốc nói trên.
Trung Quốc là thị trường xe lớn nhất thế giới với doanh số dao động quanh ngưỡng 20 triệu xe/năm. Bất kỳ hãng xe nào, nếu muốn vươn tầm lên nhóm dẫn đầu làng xe toàn cầu, đều phải đặc biệt coi trọng thị trường này.
Toyota và Volkswagen - 2 thương hiệu dẫn đầu làng xe thế giới trong nhiều năm qua - đã làm rất tốt mảng thu hút khách hàng nội địa Trung Quốc.
Ford, trong nỗ lực bám đuổi các đối thủ quốc tế tại Trung Quốc, có lẽ đã chọn cách đổi tên Ranger làm điểm nhấn. Họ rất muốn lấy lòng người dùng Trung Quốc, sau khi có nhầm lẫn tai hại cách đây 2 năm khi nhầm năm Sửu thành năm Ngọ.
Ford vừa bổ sung vào đội hình Ford Ranger toàn cầu một phiên bản thuộc nhóm trên là hybrid sạc điện (PHEV).