Tại họp báo chiều 23-11, bà Trần Như Quỳnh - phó phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM - đã thông tin về tình hình hoạt động của các chợ truyền thống.
Theo bà Quỳnh, hiện nay nhu cầu tiêu dùng của người dân có sự thay đổi, xu hướng kinh doanh online phát triển và tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ đã ảnh hưởng lớn đến mãi lực tại các chợ truyền thống.
Thời gian qua, Sở Công Thương TP đã phối hợp với các địa phương đề ra các giải pháp nâng cao mãi lực cho chợ truyền thống. Tuy nhiên với những khó khăn hiện nay, cần phải đánh giá lại hoạt động của chợ truyền thống. Chợ truyền thống vẫn tồn tại nhưng phải có mô hình mới phù hợp. TP đang nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn.
Trước mắt, Sở Công Thương đang phối hợp với các địa phương đánh giá lại tính hiệu quả của chợ truyền thống để có phương án sắp xếp, bố trí lại thương nhân.
"Sở Công Thương tính đến việc chuyển đổi công năng các chợ hoạt động không hiệu quả. Việc này các quận huyện đang rà soát và lên phương án cụ thể", bà Quỳnh thông tin.
Ngoài ra, sở cũng tổ chức hoạt động hướng dẫn thương nhân các chợ buôn bán thông qua các kênh mua bán trực tuyến; hỗ trợ thương nhân tiếp cận nguồn hàng để giảm chi phí bán ra. Các địa phương cũng cần có giải pháp giải quyết tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh các khu chợ.
Trước đó Tuổi Trẻ đã phản ánh tình trạng buôn bán ế ẩm tại các chợ truyền thống ngay trong mùa mua sắm. Cả chợ sỉ lẫn chợ lẻ đang treo bảng "sang sạp", "cho thuê sạp" hoặc thậm chí đóng cửa sạp để cắt giảm chi phí điện, nước, nhân công.
Kinh tế có phần khó khăn hơn, bán hàng qua kênh online phát triển mạnh, siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi... được xem là những nguyên nhân khiến nhiều chợ truyền thống ngày càng ế khách ngay cả trong mùa mua sắm.