Điều này khiến nguy cơ nợ xấu, nợ khó đòi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tăng lên.
Nhà sản xuất và phân phối đồ nội và ngoại thất Mỹ - Noble House mới đây đệ đơn xin phá sản, đã ảnh hưởng lớn tới Công ty xuất khẩu đồ gỗ Cẩm Hà. Trong một thông báo phát đi, công ty cho biết, doanh thu từ Noble House chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu. Không chỉ Cẩm Hà, gần 20 doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đang có nguy cơ thiệt hại tổng cộng khoảng 30 triệu USD.
"Có doanh nghiệp 100% sản xuất cho Noble House thì doanh nghiệp đó hầu như đứng luôn và nguy cơ phá sản là hiện hữu 100% vì mất hết. Có doanh nghiệp mất 4 triệu USD và còn lại tồn kho 4 triệu và nợ ngân hàng, nhiều trăm tỷ", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian qua đã phải đối mặt với 7 vụ việc các bạn hàng nước ngoài bị phá sản. Những vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra với các doanh nghiệp dệt may. Hậu quả của việc này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp Việt. Bởi khi phá sản, việc trả nợ thường sẽ được ưu tiên cho ngân hàng, cơ quan thuế và người lao động của doanh nghiệp phá sản, sau đó mới tới bạn hàng nước ngoài. Nhiều trường hợp, chi phí theo đuổi vụ việc còn nhiều hơn cả số tiền thu được về.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian qua đã phải đối mặt với 7 vụ việc các bạn hàng nước ngoài bị phá sản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Doanh nghiệp đang sản xuất xuất khẩu, nhưng bạn hàng bị phá sản giữa chừng thường thiệt hại sẽ là rất lớn. Bởi vì đó thường là 4 lớp thiệt hại chồng lên nhau: thứ nhất là hàng đã xuất sang không được thanh toán, thứ hai là hàng đang lênh đênh trên biển, thứ ba là hàng đang trong quá trình sản xuất và thứ tư là nguyên liệu đã nhập về để chờ sản xuất.
Theo dữ liệu của S&P Global, 8 tháng đầu năm nay, gần 460 công ty tại Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản, vượt con số phá sản trong cả 2 năm trước đó. Vì vậy doanh nghiệp Việt cần chủ động đa dạng hóa phương thức thanh toán hay sử dụng bảo hiểm thương mại để tự bảo vệ mình trước những rủi ro này.
"Khi ký kết với bạn hàng nước ngoài nên chú trọng sử dụng phương thức thanh toán an toàn chứ không để chuyện cạnh tranh. Có những doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận những phương án không an toàn, tạo điều kiện cho bạn đẩy cái rủi ro về phía chúng ta", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhận định.
"Trước khi ký kết thương thảo hợp đồng, cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, phối hợp chặt chẽ, thông qua kênh thương vụ chủ động xác minh về tư cách pháp nhân doanh nghiệp. Thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã cung cấp hàng trăm lượt xác minh về sức khỏe tài chính doanh nghiệp", ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết.
Chấp nhận rủi ro để có được đơn hàng, hay đặt an toàn lên trên hết với những điều khoản chặt chẽ? Bài toán này phụ thuộc phần lớn vào quyết định của chính doanh nghiệp. Đồng thời, việc tư vấn từ hiệp hội, tìm kiếm các thông tin trong chuỗi cung ứng cũng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong các tình huống này.
VTV.vn - Trong bối cảnh sức mua tại các thị trường đối tác chưa phục hồi, đơn đặt hàng giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm cách đẩy mạnh cung ứng cho thị trường nội địa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.81773450232113202-nas-ahp-gnah-nab-ol-ion-pon-mon-uahk-taux-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.vtv