Ngày 20/6/2001, các nhân viên công ty sản xuất giấy Ngũ Tinh ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đến nhà tổng giám đốc Lâu Thọ Lực theo lời hẹn cùng đi công tác Thượng Hải từ hôm trước. Họ đứng bên ngoài gọi mấy lần nhưng không ai trả lời. Thấy lạ, các nhân viên kiểm tra thì phát hiện cửa mở, ngay giữa phòng khách là con trai Lực nằm bất động, mùi máu nồng nặc. Họ hoảng sợ gọi cảnh sát.
Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy 6 thi thể, gồm bố mẹ Lực, vợ chồng Lực cùng con gái 4 tuổi và con trai 2 tuổi. Cả gia đình không ai sống sót, chỉ còn sinh vật duy nhất là con gà mái chạy trong sân. Từ tầng một đến tầng hai của ngôi nhà có nhiều vết máu trên sàn, tường và đồ đạc.
Gia đình Lực sống trong ngôi nhà ba tầng có tường bao quanh sân. Sau khi khám nghiệm hiện trường, cảnh sát bước đầu xác định hung thủ trèo tường đột nhập, dùng dụng cụ cạy cửa, cởi giày rồi lẻn vào nhà gây án. Chúng lục lọi tủ, ngăn kéo, lấy trộm một ít tiền mặt và một điện thoại di động.
Cảnh sát nhận định động cơ của hung thủ là cướp của. Lực là tổng giám đốc, có nhà cao cửa rộng và lái xe hơi đắt tiền nên dễ trở thành mục tiêu. Hung thủ bỏ lại hiện trường các công cụ gây án gồm năm sợi dây thừng dài hơn một m, một chiếc tuốc nơ vít và một con dao tự chế.
Một hàng xóm cho biết nghe thấy tiếng phụ nữ la hét và tiếng vật nặng rơi xuống đất vào khoảng 1h40 ngày 20/6, nhưng tưởng vợ chồng Lực đánh nhau nên không để tâm mà tiếp tục ngủ. Cảnh sát phán đoán những âm thanh này phát ra khi các nạn nhân vật lộn với hung thủ.
Một hàng xóm khác nói đêm đó thấy vài người lấm lét thăm dò khu vực xung quanh, vóc dáng đều cao to, nhưng không nhìn rõ diện mạo. Qua đó, cảnh sát nhận định hung thủ có ít nhất ba người.
Điều tra các mối quan hệ xã hội của Lực, cảnh sát phát hiện nạn nhân có mâu thuẫn với các đối tác kinh doanh, nhưng xung đột không đến mức thù hận, những người xảy ra va chạm với Lực đều có bằng chứng ngoại phạm.
Cảnh sát huy động hơn 2.000 nhân viên đi điều tra ở 8 ngôi làng xung quanh, tập trung xác minh hàng chục nghìn người từ nơi khác đến và người mất tích, đồng thời điều tra những người thường xuyên hoạt động về đêm. Một tháng trôi qua, cảnh sát chưa thu được manh mối hữu ích nào.
Ngày 22/7, cảnh sát nhận được thông báo dấu vân tay thu thập tại hiện trường vụ án trùng khớp với dấu vân tay của Điền Ưng Thành, một nghi phạm từng bị nhà chức trách thành phố Chư Kỵ, tỉnh Chiết Giang tạm giam để điều tra.
Trước đó, trong cuộc tuần tra vào sáng sớm 15/4/2001, cảnh sát phát hiện Thành cùng Ngô Chí Diêu cầm dao và dây thừng đi loanh quanh, hành vi khả nghi nên đưa cả hai về đồn thẩm vấn. Hai người nói muốn đi bắt thỏ rừng. Vì không có bằng chứng nào khác, cảnh sát thả họ, nhưng lưu lại địa chỉ hộ khẩu, nơi làm việc và lấy dấu vân tay.
Cảnh sát lập tức truy bắt Thành cùng đồng phạm. Ngày 23/7, họ tra ra Diêu ở quận Tiêu Sơn, Hàng Châu và bắt hắn vào chiều hôm đó.
Diêu khai rằng thuê chung nhà trọ cùng Điền Ưng Thành, Điền Hưng Thọ, Ngô Chí Vân và Ngô Chí Kim. Tối 19/6, bốn người kia mang theo hai tuốc nơ vít và hai con dao nhọn để đi cướp. Ngày hôm sau, Thọ và Vân trở về trước, ăn sáng xong vội vàng rời đi, nói với Diêu: "Đừng để lộ chuyện này, nếu có ai hỏi tung tích bọn tao, cứ nói bọn tao đi Ôn Châu rồi". Lúc 10h, Thành và Kim về, mượn Diêu 300 nhân dân tệ rồi lập tức bỏ đi, Diêu không biết họ đi đâu.
Cảnh sát tìm ra manh mối cho thấy trước khi xảy ra vụ án, một người tên Điền Mẫn thường xuyên tiếp xúc với bốn người này. Mẫn thừa nhận là đồng hương với họ, từng kể cho họ rằng Lực là chủ công ty và rất giàu có, bốn người từng hỏi thăm địa chỉ nhà Lực.
Điều tra lý lịch, cảnh sát phát hiện Thọ từng bị kết án 10 năm tù vì cướp một hợp tác xã tín dụng nông thôn, được thả vào năm 2000. Cả bốn đều quê ở huyện Tùng Đào, tỉnh Quý Châu. Nơi đây có địa hình nhiều rừng núi, giao thông và liên lạc đều kém phát triển.
Khi đến Tùng Đào, cảnh sát nhận được tin bốn nghi phạm đã trốn lên núi. Trong quá trình truy bắt, nhóm cướp bắt đầu tách ra để dễ bề ẩn nấp, khiến việc bắt giữ càng khó khăn hơn.
Sau hơn 20 ngày tra xét không có kết quả, lúc 5h30 ngày 18/8, cảnh sát phát hiện hai người vừa la hét vừa ra dấu trên đỉnh núi. Nhưng khi lên đến nơi, họ biến mất.
Hai người la hét trên đỉnh núi là Vân và Kim, họ ra dấu muốn đầu thú, nhưng sau đó lại đổi ý.
Sáng 19/8, cảnh sát nhận được tin báo Thành đang trốn tại nhà dì. Để tránh "đánh rắn động cỏ", họ lên kế hoạch hành động lúc hơn 1h, đá tung cửa xông vào đè ngã Thành đang chơi mạt chược trong phòng. Thành vốn tự tin không bị cảnh sát bắt vì thông thuộc địa hình trên núi, không ngờ hắn lại là kẻ đầu tiên sa lưới.
Sau khi Thành bị bắt, ba kẻ còn lại càng ẩn náu kỹ hơn. Từ dân làng, cảnh sát biết được manh mối quan trọng là Vân và Kim thường lẻn về nhà mang đồ ăn lên núi. Vì thời gian không cố định, cảnh sát mai phục trên đường. Tuy nhiên, họ chờ đợi nhiều ngày đêm mà không thấy động tĩnh.
Vài ngày sau, cảnh sát tìm thấy chăn bông, nồi, bát và các vật dụng khác trong một hang động trên đỉnh núi, nghi ngờ đây là nơi cả hai đang ẩn náu nên mai phục xung quanh hang động. Đến khoảng 18h tối 23/3/2002, họ bắt giữ Vân và Kim tại cửa hang. Như vậy, tổ điều tra phải mất 9 tháng mới bắt được ba nghi phạm.
Trong quá trình thẩm vấn, cả ba khai nhận tội ác. Chúng nói muốn cướp tiền nên chuẩn bị công cụ gây án, lên kế hoạch đột nhập nhà Lực giữa đêm.
Tối 19/6/2001, bốn người trốn trong trạm bơm nước ven đường chờ cơ hội phạm tội. Đến rạng sáng, chúng trèo tường vào sân, cạy cửa nhưng tiếng động quá lớn đánh thức bố mẹ Lực. Cả bốn chia nhau sát hại hai ông bà, sau đó lại giết vợ chồng Lực vừa mở cửa phòng để kiểm tra. Hai đứa trẻ cũng bị chúng diệt khẩu.
Nhóm cướp nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường dù chỉ tìm được hơn 70 nhân dân tệ tiền mặt và một điện thoại di động.
Ngày 6/6/2002, Thành, Kim và Vân bị kết án tử hình vì tội cướp của, giết người, thi hành án vào ngày 20/6. Thọ đang đào tẩu cũng bị tuyên tử hình vắng mặt.
Cuộc truy lùng Thọ kéo dài suốt 19 năm. Ngày 11/10/2020, cảnh sát Quý Dương ở Quý Châu kiểm tra một quán Internet, phát hiện nhân viên dọn vệ sinh tại đây không có chứng minh thư, vẻ ngoài trông rất giống tội phạm đào tẩu Điền Hưng Thọ dù để râu ria xồm xoàm.
Cảnh sát lập tức điều tra người đàn ông 51 tuổi tự nhận tên Lý Ba, nhận thấy hành tung và ngoại hình của ông ta trùng khớp với đặc điểm của Thọ.
Ngày 1/11, cảnh sát chặn đường tẩu thoát của Ba, bắt ông ta. Khi bị hỏi: "Ông là Điền Hưng Thọ phải không?", ông ta từ bỏ ý định chống cự.
Ngày 4/11, Thọ được áp giải từ Quý Dương về Hàng Châu. Tất cả nghi phạm trong vụ án năm 2001 đều đã bị bắt giữ.
Theo lời khai của Thọ, hắn trốn trên núi hơn mười năm vì sợ bị bắt, ngày ngày sống như người rừng, ăn quả dại, chế tạo công cụ đơn giản để bẫy thỏ, thi thoảng ăn trộm rau củ trên đồng ruộng gần đó. Cuộc sống cực khổ nhưng Thọ cố chịu đựng chứ không muốn ngồi tù.
Sau thời gian dài nhàm chán và cô đơn, cho rằng cảnh sát đã từ bỏ truy bắt, Thọ quyết định xuống núi tìm việc làm. Hắn đến Quý Dương xin việc dọn dẹp trong quán Internet, tiền lương hàng tháng chỉ 800 nhân dân tệ. Vì không có chứng minh thư, không thể làm thẻ ngân hàng, Thọ chỉ có thể nhận tiền mặt, nhưng sợ bị báo cảnh sát nên ban đầu không dám nhận lương. Hắn dùng tên giả, không giao du với ai, sống dưới gầm cầu như ăn mày.
Thọ tưởng đã đủ thận trọng để tránh được cuộc vây bắt rầm rộ năm nào và trốn suốt 19 năm qua, cuối cùng vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của công lý.
Tuệ Anh (Theo Toutiao, 163)
Xem thêm: lmth.8900864-cod-maig-ahn-ac-tas-maht-pouc-mohn-tab-yurt-couc/ten.sserpxenv