Đối với các dự án đầu tư công thì vấn đề mặt bằng luôn là bài toán khó, bài toán đầu tiên khi thực hiện. Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với các chuyên gia để lắng nghe những góp ý nhằm giúp TP tìm ra lời giải cho bài toán này.
Ông TRẦN MINH THƠ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Sở TN&MT TP.HCM
6 điều kiện để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Để đẩy nhanh các dự án đầu tư công, tôi nghĩ nên tập trung vào việc giải ngân vốn đầu tư công trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) tại các dự án đã được ghi vốn. Có hai trường hợp trong thực tế là đã tách phần bồi thường, hỗ trợ, TĐC thành dự án độc lập và trường hợp không được tách thành dự án độc lập.
Công tác chuẩn bị đầu tư và ghi vốn để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC tại hai loại dự án trên hiện nay đều chưa được chuẩn bị chu đáo, chưa đảm bảo điều kiện cần và đủ để triển khai công tác thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, TĐC.
Đây chính là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu dẫn đến chậm hoặc không thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công đã bố trí cho công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Từ đó kéo theo không thể hoàn thành việc bàn giao mặt bằng, không thể giải ngân vốn đầu tư công đã bố trí cho công tác xây dựng cơ bản trên phần diện tích đất phải thu hồi. Từ thực tiễn đó, tôi thấy có sáu điều kiện cần và đủ để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia.
38%
là tỉ lệ giải ngân toàn TP tính đến ngày 10-11. Cụ thể, TP.HCM chỉ mới giải ngân được hơn 25.800 tỉ đồng trong tổng số hơn 68.800 tỉ đồng, tức đạt khoảng 38% chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được Chính phủ giao.
Đại diện Sở KH&ĐT thông tin tại buổi họp báo định kỳ kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 16-11
Thứ nhất là đảm bảo pháp lý của dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, đảm bảo pháp lý và trình tự, thủ tục về thu hồi đất. Thứ ba, đảm bảo quỹ nhà ở, đất ở phục vụ TĐC và phương án TĐC cho những hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển nhà ở, đất ở. Thứ tư, đảm bảo giá bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất phải tháo dỡ, di chuyển.
Thứ năm là đảm bảo pháp lý, dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lập, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt chính sách bồi thường của dự án và phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC của từng người bị thu hồi đất để có sự đồng thuận của người dân có đất bị thu hồi. Thứ sáu là phải đảm bảo nguồn vốn và kịp thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí TĐC cho người dân theo phương án đã phê duyệt.
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế, giảng viên Học viện Tài chính:
Chú trọng khâu chuẩn bị
Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công thì chúng ta phải có khâu chuẩn bị hồ sơ dự án, bao gồm chuẩn bị thiết kế, bản vẽ, dự toán đầy đủ… thật tốt. Khi chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng khâu này thì lúc khởi công sẽ rất thuận lợi, việc dùng vốn cũng dễ giải quyết hơn. Cạnh đó, khâu thi công cũng rất quan trọng nên việc giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường liên quan đất đai, di chuyển tài sản… cần phải làm nhanh. Tuy nhiên, hiện nay công tác GPMB đang gặp khó khăn.
Về cơ sở pháp lý trong việc GPMB hiện nay còn khó khăn như thực hiện quy định về phương pháp định giá đất chưa thống nhất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện. Hay như việc có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không còn phù hợp với quy hoạch mới (các quy hoạch trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định)…
Thêm nữa, việc tính toán giá bồi thường, GPMB mất nhiều thời gian, giá nguyên vật liệu tăng cao, các dự án giao thông cần một khối lượng lớn đất cấp phối để phục vụ thi công nhưng thời gian xin giấy phép khai thác mỏ dài và số lượng mỏ đất đá hạn chế... cũng ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ. Một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho việc giải ngân vốn đầu tư công.
TS-KTS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM:
3 nguyên nhân khiến chậm giải ngân vốn đầu tư công
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có thể có ba nguyên nhân. Thứ nhất là về pháp lý, vướng vào Luật Đất đai về bồi thường, có sự tranh chấp, không thỏa thuận được với người dân…
Thứ hai là về thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính đối với một dự án có hai nội dung là thủ tục về đất đai và thủ tục về vốn. Rất nhiều dự án không giải ngân được do vướng các thủ tục này. Chúng ta cần cải tiến, bỏ bớt các thủ tục không quan trọng và giao quyền nhiều hơn cho các cấp giải quyết để đẩy nhanh tiến độ.
Thứ ba là nguyên nhân đến từ con người, đến từ tính chủ động của con người. Ví dụ, có nơi cán bộ quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án thì khác, có nơi có người lại sợ rồi đổ lỗi cho thủ tục để dự án nằm chờ, “đắp chiếu”…
Các nguyên nhân này đều có thể khắc phục được, chúng ta cần khoanh vùng các khó khăn của từng dự án để giải quyết, để có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án, qua đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.•
Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo quận, huyện gấp rút giải ngân 94 dự án
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, người đứng đầu các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư dự án nghiêm túc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, thi đua 60 ngày đêm phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời tập trung giải quyết ngay các thủ tục đầu tư, bồi thường và bàn giao mặt bằng thi công để giải ngân vốn ngay trong năm 2023.
Cụ thể, Sở GTVT có trách nhiệm hoàn thành ý kiến về thiết bản vẽ thi công, dự toán một dự án và điều chỉnh quyết định đầu tư một dự án.
Sở QH-KT có trách nhiệm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch của bốn dự án. Sở NN&PTNT có trách nhiệm hoàn thành ý tưởng về phương án kết nối vào rạch Suối Nhum.
Sở Xây dựng hoàn thành điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm tra thiết kế, bàn giao căn hộ tái định cư 11 dự án.
Sở KH&ĐT tập trung theo dõi, rà soát, báo cáo các nội dung liên quan dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Sở Tài chính tập trung nhân lực để phê duyệt quyết toán đối với 48 dự án đã hoàn thành.
Đáng chú ý, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB theo đúng tiến độ để giải ngân chi phí, thực hiện thi công xây lắp, giải quyết thủ tục đầu tư.
Trong đó, huyện Nhà Bè có năm dự án, huyện Hóc Môn có 17 dự án, huyện Củ Chi có 13 dự án, huyện Bình Chánh có 8 dự án, TP Thủ Đức có 17 dự án; quận Tân Bình có 8 dự án, quận Gò Vấp có 4 dự án, quận Bình Tân có 7 dự án, quận 8 có 5 dự án, quận 12 có 2 dự án, các quận 5, 6, 7, 11 có 1 dự án. Tổng cộng có 94 dự án.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao các chủ đầu tư tập trung lập kế hoạch, công việc chi tiết để hoàn tất giải ngân số vốn được giao và bám sát tiến độ thi công. Đồng thời thường xuyên họp giao ban với các nhà thầu, thúc đẩy việc tăng ca, bổ sung máy móc, thiết bị trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công; cương quyết xử lý nhà thầu cố tình chây ỳ hoặc không đủ năng lực tài chính, năng lực thi công dẫn đến chậm triển khai theo tiến độ…
Chủ tịch TP.HCM giao Sở KH&ĐT tiếp tục làm việc cụ thể với các đơn vị để rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm đạt tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên 95%. LÊ THOA
TP.HCM đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công - Bài 1: Tranh thủ từng ngày, từng giờLENS
(PLO)- Hiện 18/22 quận, huyện tại TP.HCM cam kết giải ngân vốn đầu tư công 95%, bốn địa phương còn lại gồm Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình, TP Thủ Đức cam kết giải ngân 80%-95%.