Bà Nguyễn Thị Hiền - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) - cho biết như vậy tại hội thảo "Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức chiều 24-11.
Theo bà Hiền, hưởng ứng chủ trương chuyển đổi canh tác số, PVCFC phát hành ứng dụng 2NÔNG. Sau 8 năm đầu tư và phát triển, ứng dụng này đã có hơn 70.000 lượt cài đặt, với hàng trăm triệu lượt tương tác của người nông dân.
Qua 2NÔNG, người nông dân đã chia sẻ với nhau về giải pháp canh tác, sâu bệnh, các phương thức bón tưới, mô hình canh tác thành công…
Ngoài ra, PVCFC cũng liên tục cập nhật bản tin giá nông sản thế giới hằng ngày, bản tin thời tiết từng tỉnh theo thời gian thực…
"Nếu chỉ vì giá bán, vì câu chuyện bán hàng và lợi nhuận thì không thể lâu bền. Người nông dân Việt Nam phải có thông tin, có hiểu biết.
Trên cơ sở đó, sử dụng loại phân bón có chất lượng thì mới có năng suất tốt, qua đó bán được nông sản giá cao. Khi đó, họ mới có tiền tái đầu tư và mua phân bón của mình", bà Hiền chia sẻ.
Trong khi đó, ông Phan Văn Nhơn, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp thương mại và dịch vụ Bình Hòa chia sẻ từng rất vất vả, khi vận động người dân tham gia tập huấn trong khuôn khổ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT).
Tuy nhiên, sau quá trình áp dụng những kiến thức được tập huấn, các hộ dân rất phấn khởi khi thấy thu nhập cải thiện. Giờ đây, thành viên HTX Bình Hòa đã chuyển từ bàn về chuyện mua thuốc bảo vệ thực vật đã chuyển sang trao đổi về việc cắt giảm thuốc.
Đến năm 2021, khi được chọn để triển khai Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP), bà con nông dân cũng đã quen dần với việc sản xuất mà giảm phun thuốc, góp phần nâng cao sức khỏe cả nông dân và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc phát triển bền vững Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, nhấn mạnh việc sử dụng kết hợp hài hòa giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, giữa thuốc bảo vệ thực vật hóa học và sinh học.
Ông Tuấn đúc kết: "Đối với từng loại dịch hại, sâu bệnh, cần sự kết hợp hài hòa để đạt hiệu quả cao nhất".
Cập nhật tình hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại đồng bằng sông Cửu Long, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt cho biết trong giai đoạn 2017 - 2022, Việt Nam sử dụng tổng cộng 10 - 12 triệu tấn phân bón sản xuất nông nghiệp.
Trong đó, có đến 80% là phân bón vô cơ và chỉ 20% là phân bón hữu cơ.
Trong báo cáo được Cục Bảo vệ thực vật trình bày hồi tháng 8-2021, lượng phân bón ĐBSCL sử dụng cao hơn trung bình cả nước 42%, riêng tỉ lệ sử dụng phân vô cơ cao hơn đến 35,3%.
Về thuốc bảo vệ thực vật, năm 1996, nước ta sử dụng với liều lượng 4,685kg/ha, đứng 80/160 trên toàn thế giới. Đến 2021 còn sử dụng 1,58kg/ha. Trong hơn 20 năm đã giảm 3 lần liều lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cùng đơn vị diện tích.
So với Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam có vùng trồng lúa thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long vượt trội về thủy lợi, nhiều giống chất lượng cao, cùng với trình độ của nông dân ngày càng cải thiện đã đưa tới năng suất cao vượt trội.