Cần Thơ đang cần 13 triệu m³ cát để thi công cao tốc
Tại tọa đàm "Vật liệu nào thay thế cát sông?" do báo Đại Đoàn Kết tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 24-11, ông Dương Tấn Hiển, phó chủ tịch thường trực thành phố Cần Thơ, cho biết là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố được trung ương quan tâm đầu tư hai đường cao tốc kết nối qua địa bàn thành phố.
Đó là tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, đang cần 8 triệu m3 cát và dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 dự án thành phần 2 đoạn qua thành phố Cần Thơ cần hơn 5 triệu m3 cát nữa.
Trong khi đó chỉ tính riêng dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (giai đoạn 1) mới khởi công tháng 9 vừa qua, nhu cầu cát san lấp lên đến 9 triệu m3. Dự kiến giai đoạn 2 mở rộng khu công nghiệp này thêm 600ha thì cát càng trở thành bài toán khó đối với địa phương.
Qua nghiên cứu đánh giá trữ lượng cát trên địa bàn thành phố còn khoảng 5,3 triệu m3 cát nhưng chất lượng hạt cát rất nhỏ, lẫn bùn nhiều, không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật làm đường cao tốc. Vì vậy, thành phố rất cần cát ở nơi khác cũng như ở các tỉnh tỉnh lân cận và nguồn cát khác để san lấp", ông Hiển nói.
Đề nghị thông tuyến bảo hiểm y tế cho bệnh nhân ung thư, lao kháng thuốc, HIV...
Theo ông Lê Văn Phúc - trưởng Ban thực hiện chính sách y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để tạo thuận lợi cho người bệnh khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nên nghiên cứu áp dụng thông tuyến bảo hiểm y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh, với bệnh nhân đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên sâu.
Cụ thể các bệnh ông Phúc đề nghị gồm ung thư, tâm thần, bệnh máu, bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp và điều trị, lao kháng thuốc, HIV... cơ sở tuyến y tế cơ bản (tuyến huyện) không điều trị được.
Khi đó sẽ giao sở y tế phối hợp với bảo hiểm xã hội các tỉnh căn cứ danh mục bệnh được thông tuyến khám chữa bệnh của Bộ Y tế, khả năng cung ứng dịch vụ của các địa phương quy định bệnh, tình trạng bệnh được thông tuyến, không cần giấy chuyển tuyến khi khám chữa bệnh.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng phân chia tuyến y tế như hiện nay là mô hình hệ thống y tế hình tháp, được áp dụng ở nhiều nước.
Lần đầu tiên Việt Nam ghép gan bất đồng nhóm máu cho người lớn
Ca ghép thực hiện cuối tháng 10 vừa qua tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho bệnh nhân nữ 15 tuổi bị xơ gan cách đây 6 năm không rõ nguyên nhân. Gần đây bệnh nhân đi khám và phát hiện khối u gan, đã được chẩn đoán là ung thư biểu mô tế bào gan trên nền xơ gan.
PGS.TS Lê Văn Thành, viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết với bệnh nhân này thì phẫu thuật cắt khối u không khả thi do chức năng gan kém, xơ gan, lách to, điều trị tối ưu là ghép gan.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã quyết định ghép gan từ người hiến là bà nội cho bệnh nhân, tuy nhiên điểm đáng chú ý ở ca ghép này người hiến và người ghép không cùng nhóm máu, các ca ghép khác nhóm máu điều trị khác với cặp ghép cùng nhóm máu. Đây là lần đầu tiên triển khai ghép gan khác nhóm máu cho người lớn tại Việt Nam (trước đó các bác sĩ đã ghép thận và ghép gan cho trẻ em khác nhóm máu).
Sau 8 giờ phẫu thuật lấy gan hiến và ghép gan, ca ghép đã thành công, người hiến đã được ra viện sau 1 tuần, người nhận gan đang trong quá trình phục hồi. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiến hành ghép gan từ 2017, chậm hơn nhiều cơ sở y tế nhưng số lượng ca ghép thực hiện tại đây hiện đứng đầu cả nước với 205 ca cho đến nay.
Sẽ phát triển nhiều tuyến cao tốc kết nối với Bình Phước
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng ban hành, sẽ phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng như: tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước);
Xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh như đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, tuyến ĐT 753,...
Tầm nhìn đến 2050 phấn đấu xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững.
Việt Nam và Nhật Bản hợp tác nghiên cứu y sinh học
Tại hội thảo khoa học về kỹ thuật và công nghệ y sinh học do ĐH Y Hà Nội phối hợp với Tổ chức nghiên cứu tái tạo, môi trường, y tế (MERRO) Nhật Bản tổ chức ngày 24-11, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết phía Nhật tích cực hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu sản xuất vắc xin, đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch truyền nhiễm...
Ông Thuấn cũng cho biết Nhật Bản đã hỗ trợ đào tạo hàng trăm nhà khoa học, nhiều bác sĩ giỏi đầu ngành. Hội thảo này là diễn đàn chia sẻ kết quả nghiên cứu về kỹ thuật và y sinh học trong y tế 2 bên đang có nhiều dự án hợp tác.
Một số tin tức đáng chú ý: Việt Nam chi hơn 4,2 tỉ USD nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu; Canada sẵn sàng mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam; Thực phẩm, nông sản rộng đường sang Trung Quốc, châu Âu...