Gần đây hoạt động quảng cáo bài bạc phát triển rầm rộ. Không dừng lại ở việc chèn quảng cáo vào các trang phim lậu, video phát trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok..., nhiều đơn vị còn cố đưa hoạt động quảng cáo cờ bạc ra ngoài đời thực, tiếp cận trực tiếp với người dân.
Ngang nhiên quảng cáo cờ bạc
Buổi tối, tấp vào vỉa hè để ăn trứng vịt lộn cùng hội bạn, chị N.Lý (TP Thủ Đức, TP.HCM) không khỏi khó chịu khi trên chiếc bàn nhựa để hộp đựng khăn giấy thể hiện logo của một sòng cá cược online, kèm dòng chữ "chơi vui thắng lớn", có cả mã QR để quét và tham gia ngay.
"Ngồi ăn cũng không yên. Giờ tới nhiều quán cơm bình dân, quán nhậu, đến quán vỉa hè cũng có quảng cáo cờ bạc. Bất an thật sự", vị khách hàng này bày tỏ.
Khi hỏi về nguồn gốc của các hộp giấy ăn có logo sòng bạc, một người bán cá viên chiên ở vỉa hè cho biết được người thân đang kinh doanh quán nhậu tặng cho.
Không dừng lại, quảng cáo cờ bạc còn xuất hiện hoành tráng trên bảng hiệu. Chẳng hạn, tại một quán bún bò Huế ở quận 6, bảng quảng cáo có logo sòng bạc online xuất hiện ngay trên đầu và chiếm khoảng 30% diện tích, phía dưới mới để thông tin món ăn, kèm địa chỉ và số điện thoại của quán.
Nhiều người dân cũng phải chứng kiến quảng cáo bài bạc được dán bên hông ô tô đang chạy trong khu vực trung tâm thành phố.
Kể cả khi tới đêm nhạc của một ban nhạc quốc tế vừa diễn ra ở TP.HCM, ngay phía ngoài cổng, nhiều khán giả cũng thấy băng rôn có logo sàn giao dịch tiền ảo được treo lên.
Khi đang xếp hàng để được vào bên trong sân vận động Thống Nhất xem biểu diễn, nhiều người yêu âm nhạc còn bị nhét vào tay chiếc quạt với dòng chữ sai sự thật, thể hiện trang cá cược online là nhà tài trợ chính thức. Trên quạt còn ghi nội dung gọi mời tham gia chơi xổ số trực tuyến, thể thao trực tuyến, đăng ký chơi được tặng 100.000 đồng. Nhiều que phát sáng (light stick) in logo sàn giao dịch tiền ảo trái phiếu cũng bị tuồn vào đêm nhạc.
Được biết, ban tổ chức đêm nhạc đã khẳng định không phát cũng không ký kết, làm việc với bất kỳ sàn giao dịch tiền ảo, sòng cá cược nào.
Trên Facebook, nhiều quảng cáo cá cược cũng xuất hiện nhan nhản, được lồng vào giữa các video có nội dung hài hước, tóm tắt các bộ phim có nội dung hấp dẫn...
Vào TikTok, hàng loạt video quảng cáo nội dung độc hại cũng được hiển thị, trong đó có cả video một nhóm nữ mặc trang phục gợi cảm, trên áo in logo sàn cá độ online tên O..., nhảy ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), thu hút sự chú ý của nhiều người dân. Sau đó nhóm này bị lực lượng bảo vệ đuổi đi.
Hệ lụy khôn lường, cần siết chặt quản lý
Ông Nguyễn Quang Nhựt - giám đốc Công ty quảng cáo Shojiki, phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM - cho rằng cờ bạc online gây ra những hệ lụy rất khủng khiếp với xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Đây là tác nhân gây ra hoàn cảnh thương tâm ở nhiều gia đình, làm thui chột ý chí phấn đấu của nhiều thanh niên.
Các hình thức quảng bá cũng như triển khai hoạt động cờ bạc online cực kỳ tinh vi. Lúc trước hầu hết diễn ra trên môi trường mạng, nhưng gần đây các đối tượng trở nên táo tợn hơn, quảng cáo sai và không phép tại địa điểm công cộng, cũng như sơn, vẽ, dán tờ rơi... ở nhiều nơi. Trước vấn nạn này, ông Nhựt đề nghị có cơ chế để cơ quan công an xử lý nhanh chóng nguồn tin tố giác từ người dân, bảo vệ bình an cho xã hội.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định việc xuất hiện tràn lan quảng cáo cá cược trá hình trên mạng xã hội, len lỏi lên các bảng biển hiệu khiến môi trường quảng cáo trở nên độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, làm gia tăng tội phạm. Hành vi quảng cáo cá cược dưới bất kỳ hình thức nào cũng bị pháp luật nghiêm cấm.
"Đã có hồi chuông báo động về quảng cáo ngoài trời tiếp tay cho loại hình đánh bạc xuyên biên giới. Các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội liên quan cần nhanh chóng vào cuộc gắt gao, quyết liệt hơn, tránh để lại những hệ lụy tiêu cực cho xã hội, khiến không ít người lâm vào cảnh nợ nần, khốn cùng", ông Hùng nói và cho rằng bản thân người dân cũng cần cảnh giác với các "quảng cáo đen" nhằm lôi kéo tham gia hoạt động đánh bạc, chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện các quảng cáo nguy hại.
Phạt nặng, buộc tháo gỡ quảng cáo đen
Căn cứ nghị định 15 được Chính phủ ban hành, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Nghị định số 38 quy định phạt từ 50 - 70 triệu đồng với trường hợp vi phạm về quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo. Đồng thời phạt từ 70 - 100 triệu đồng với hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định. Buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo...
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM):
Vi phạm nếu tiếp tay quảng cáo độc hại
Các chủ sở hữu tòa nhà, chủ quán ăn, đơn vị tổ chức đêm nhạc... nếu cho phép bên thuê đặt quảng cáo sai phạm trên tài sản, phạm vi tổ chức của mình, được xem là đồng lõa, vô tình tiếp tay vi phạm pháp luật. Đơn vị thực hiện nội dung cũng là chủ thể bị vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Như vậy, khi pháp luật vào cuộc, sẽ xử lý cả người cho thuê vị trí để đặt, dán quảng cáo. Nếu không tỉnh, cứ nghĩ rằng tôi không biết quy định, chỉ cho thuê vị trí thôi, sai phạm gì thì bên thuê chịu trách nhiệm là không đúng. Khi phát hiện ra, các cơ quan nhà nước sẽ xử phạt rất nặng.
Nhà cửa ở trung tâm TP.HCM bị bao vây đến ngột ngạt bởi các hình vẽ, miếng dán cho thuê nhà, quảng cáo rao vặt… ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Cơ quan chức năng cho biết nguyên nhân chính do việc kinh doanh khó khăn, nhiều 'mặt tiền' phải đóng cửa.