Đó là bà Trương Như Thị Tịnh, sau trở thành Sư bà Giác Huệ, tổ khai sơn chùa nữ Hoa Nghiêm, tục danh chùa Bà Hoàng ở Huế.
Làm vợ ông hoàng thất thế
Đầu năm 1889, vua Đồng Khánh băng hà khi hoàng tử Bửu Đảo chưa đầy 4 tuổi. Hoàng tử Bửu Lân, con trai vua Dục Đức, được chọn kế vị, lấy niên hiệu Thành Thái. Ông hoàng Bửu Đảo yếu thế, rất ít bổng lộc, thậm chí bị xem là cái gai trong mắt vua Thành Thái. Theo F.D.Tessan, trong bài báo về vua Khải Định công bố ở Pháp năm 1922, vua Thành Thái còn cấm cửa không cho Bửu Đảo vào cung, và "không bỏ qua một dịp hà hiếp nào"...
Tài liệu của người Pháp cũng cho biết sau khi vua cha thăng hà, hai người mẹ là bà Thánh Cung và Tiên Cung đem các con lên lăng Đồng Khánh sinh sống cho đến khi ông hoàng Bửu Đảo 18 tuổi mới về ở phủ Phụng Hóa, ngày nay là cung An Định.
Ông được kể rất đam mê bài bạc. Tập tài liệu lưu truyền nội bộ một ngôi phủ ở Huế cho biết máu đam mê bài bạc ấy ảnh hưởng bởi người mẹ đẻ Dương Thị Thục. Rằng ông "thường qua vấn an mẹ và ở lại đánh bài"; người mẹ "suốt ngày đánh bài, vì vậy tuổi trẻ của ngài ngự hay bài bạc là vậy"...
Theo nhà nghiên cứu Võ Hương An, cuộc sống họ lúc đó: "Nói thẳng ra là nghèo, điều này một số người Huế đương thời có dịp gần gũi phủ Phụng Hóa đều biết. Vua quan đều do Tây phát lương, các ông hoàng bà chúa cũng thế. Nghèo nhưng ham chơi, với các món bài bạc, hát xướng, nên mắc nợ khá nhiều".
Năm 1904, ông hoàng Bửu Đảo cưới tiểu thư Trương Như Thị Tịnh (1889 - 1968), ái nữ quan đại thần Trương Như Cương làm vợ. Cuộc hôn nhân có lẽ được hai gia đình toan tính. Đại thần Trương Như Cương dưới thời Đồng Khánh được vua hết sức quý mến nên hai người mẹ quyết chọn ông làm thông gia để "dựa thế" lúc ấy là điều dễ hiểu.
Chuyện xưa cũng kể rằng nhạc phụ có hứa với chàng rể cấp tiền hằng tháng sau cưới, nhưng sau không cấp nên chàng rể ruồng bỏ vợ, lao vào ăn chơi bài bạc. Một số câu chuyện trong hoàng tộc cũng còn kể rất nhiều lần ông hoàng Bửu Đảo buộc vợ về nhà níu áo mẹ cha xin tiền cho ông trả nợ thua bạc với những khoản rất lớn.
Hết chịu nổi cảnh người chồng bê bết cờ bạc, buộc về xin tiền cha mẹ, hờ hững chuyện phòng the, năm 1913, bà Trương Như Thị Tịnh quyết tâm bỏ chồng. Thế nhưng, phép tắc thời Nguyễn lúc ấy, đã là vợ của ông hoàng thì không được bỏ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho biết sự việc bà đòi ly dị lúc ấy dùng dằng, căng thẳng trong thời gian khá dài. Thương con gái, quan đại thần đầu triều Trương Như Cương đã cậy nhờ người Pháp can thiệp. Nhờ vậy mà ái nữ bỏ được chồng để lên núi lập thất tu hành.
Lập chùa đi tu
Chùa Hoa Nghiêm nằm trên sườn núi Sầm, thuộc thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, hướng mặt ra giao lộ Trưng Nữ Vương và Phùng Quán. Hôm chúng tôi ghé, tỏ ý e ngại "sợ chùa nhiều người biết rồi tìm đến làm ảnh hưởng chốn thanh tịnh tu hành". Sau một hồi, một vị giới thiệu với chúng tôi về vị tổ khai sơn Giác Huệ với di ảnh đang thờ án giữa và lăng mộ nằm trên dải đất bên phải của chùa.
"Sư bà từng là vợ vua Khải Định nên người ta thường gọi là "bà Hoàng", gọi luôn tên chùa ni là chùa Bà Hoàng. Cái khe trước mặt chùa cũng gọi là khe Bà Hoàng. Thực ra khi khai sơn, sư bà đặt tên là Hoa Nghiêm các, một cái cốc nhỏ thôi, sau xây lớn nên mới đặt là chùa Hoa Nghiêm", vị này giải thích.
Sư bà Giác Huệ hồi còn tiểu thư học rộng, hiểu nhiều, rất giỏi văn chương, thơ phú. Một người bạn tri kỷ, thường xuyên "xướng họa rất tương đắc" với bà chính là nữ sĩ Đạm Phương.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn, khi biết bạn quyết chí từ bỏ vinh hoa phú quý xuất gia, nữ sĩ Đạm Phương làm bài trường thiên lục bát gửi tặng với lời lẽ rất chân tình, cảm động: "Mai gầy liễu ốm vì sương/Chạnh lòng nhớ bạn xót thương bàng hoàng/Tấc lòng đòi đoạn ngổn ngang/Người đà hạc nội mây ngàn về đâu/Mưa tuôn gió thảm lay sầu/Nỗi tiềm có thấu tình nhau chăng là...".
Cũng có thuyết cho rằng năm 1916, tức ba năm sau ngày "ly dị", Phụng Hóa công lên ngôi lấy niên hiệu Khải Định. Nhà vua nghĩ đến tình xưa đã sai người lên Hoa Nghiêm các gặp vợ cũ nói ý định muốn rước về cung làm đệ nhất giai phi, sau đó sẽ tiếp tục được tôn phong làm Hoàng quý phi nhưng bà một mực từ chối.
Đóng góp quan trọng
Kho sách chữ Hán của Sư bà Giác Huệ ở Hoa Nghiêm các vô cùng đồ sộ, với rất nhiều sách quý hiếm, là điểm đến tham khảo của nhiều bậc trí giả đương thời.
"Bà giỏi lắm, nhất là chữ Hán. Tủ sách chữ Hán của bà nghe nói rất rất nhiều quyển quý hiếm. Hồi ở Hoa Nghiêm các, nhiều vị to lớn và mấy sư thầy từ chùa Thiên Mụ, Tây Thiên, Diệu Đế... hay ghé tới đàm đạo, trao đổi thơ phú. Nghe đâu về sau, số sách quý của bà đưa qua nhiều chùa", ni sư Thích Nữ Chơn Toàn, tu ở chùa Diệu Viên, kể.
Giai đoạn tu hành ở Hoa Nghiêm các, bà có những đóng góp đáng kể cho Phật giáo Huế. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: "Bà hết lòng ủng hộ các bậc cao tăng thạc đức như hòa thượng Huệ Pháp (chùa Thiên Hưng), hòa thượng Tâm Tịnh (chùa Tây Thiên), thiền sư Viên Thành (chùa Ba La Mật)... trong việc giảng dạy, phát hành kinh điển, xây dựng bước đầu cho công cuộc chấn hưng Phật giáo tại kinh đô Huế".
Nửa đầu thập niên 1960, vùng núi Sầm, Hoa Nghiêm các nằm trong vùng giao tranh khốc liệt. Sư bà Giác Huệ xin chuyển về chùa Diệu Viên, cách đó hơn cây số trú náu, tu hành. Theo ni sư Chơn Toàn, bà được bố trí trong phòng riêng khép kín thuộc dãy tịnh xá trước chùa, tới bữa thì nhà chùa cung cấp ăn uống. Những năm cuối, bà không còn kinh kệ vì điếc đặc.
"Bà điếc dữ lắm, ai cần việc chi là bà ra dấu viết chữ. Năm Mậu Thân ca nông bắn từ Phú Bài lên Huế ầm ầm, bà than "Chao ơi là hắn khổ, thổ thúng thổ mủng chi mà ầm ầm", ni sư Chơn Toàn kể.
Ngày cuối cùng, 20-6-1968, bà một mình trong phòng khóa trái. Ni sư Chơn Toàn phát hiện bà đang nằm trên giường hấp hối, đập cửa mãi không được nên leo tường vào trong rồi gọi mọi người đến giúp. Nhà chùa tổ chức lễ tang xong, nhờ sư trụ trì chùa Diệu Đế thuê chiếc xe cùng mấy người nữa, "vượt đạn bom" chở về Hoa Nghiêm các an táng trong lòng tháp đã xây từ trước.
Sách Chư tôn thiện đức & Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa cho biết năm 1913, bà Trương Như Thị Tịnh lên chùa Tây Thiên trình bày nguyện vọng muốn xuất gia và được chấp thuận, được tổ Tây Thiên cho pháp tự là Giác Huệ.
Đến năm 1916, bà về núi Sầm mua đất lập thảo am đặt tên là Hoa Nghiêm các và hành trình tu tập tại đây. Đến năm 1962, bà xin lên tu tập tại chùa Diệu Viên cách đó khoảng một cây số, giao Hoa Nghiêm các cho hai vị ni sư Chơn Viên và Chơn Tịnh kế thế chăm sóc. Bà Giác Huệ rời cõi tạm tại chùa Diệu Viên năm 1968, sau đó được đưa về nhập tháp ở Hoa Nghiêm, với 79 tuổi đời, 55 tuổi đạo...
-------------------
Từ người giúp việc, bà đã thăng tiến lên ngôi cao nhất và làm chủ hậu cung, được đánh giá xứng đáng là bậc mẫu nghi. Đó là bà Hoàng Thị Cúc - nhất giai Hậu Phi của vua Khải Định, Đoan Huy Hoàng thái hậu thời Bảo Đại, thường được gọi một cách tôn kính: "đức Từ Cung".
Kỳ tới: Từ người giúp việc đến bậc mẫu nghi
Cuộc sống nội cung xưa nay như những mảnh sử rời tản mác được phóng viên tìm kiếm, "dựng lại" cho liền mạch dưới triều vua Khải Định.