Nhân chuyến đi lần này, Tuổi Trẻ đã có cuộc phỏng vấn riêng với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio.
* Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới có ý nghĩa như thế nào với quan hệ hai nước và khu vực, thưa ông?
- Tôi tin tưởng rằng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng diễn ra vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ sẽ mang ý nghĩa lịch sử và trở thành một trong những dấu ấn nổi bật nhất của năm kỷ niệm 50 năm.
Ngoài việc nhìn lại những bước tiến trong quan hệ Nhật Bản - Việt Nam từ trước đến nay, chuyến thăm này còn tái khẳng định và truyền đi thông điệp rằng sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ là mối quan hệ song phương mà còn đang trở thành mối quan hệ có thể cùng đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Nhật Bản và Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển "quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" mà hai nước đã khẳng định vào năm 2014 một cách thực chất và hiệu quả hơn trên mọi lĩnh vực và cùng hợp tác chặt chẽ để nâng mối quan hệ lên tầm cao mới.
Nhật Bản khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trong khi tình hình khu vực như Biển Đông đang ngày càng trở nên phức tạp, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác sâu sắc hơn để duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
* Vậy chuyến thăm sẽ thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực truyền thống cũng như các lĩnh vực mới gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đổi mới sáng tạo ra sao?
- Tôi nhận thấy quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử.
Về mặt kinh tế, ngành chế tạo Nhật Bản đang mở rộng thêm nhiều chi nhánh, đặc biệt là ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, còn ngành bán lẻ đang tập trung khai thác nhu cầu nội địa khi dân số vượt 100 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều.
Tôi rất kỳ vọng hoạt động đầu tư và triển khai kinh doanh của các công ty Nhật Bản, vốn đang đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, sẽ trở nên sôi động hơn nữa trong lĩnh vực năng lượng và các ngành trên.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản mong muốn khôi phục nguồn vốn ODA và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong tương lai, Nhật Bản sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam ở cả khu vực công và tư trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đào tạo nguồn nhân lực.
* Việt Nam đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghệ để xây dựng hệ sinh thái bán dẫn. Ông đánh giá như thế nào về hai mục tiêu này?
- Việt Nam có nguồn nhân lực xuất sắc và dồi dào trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Do đó tôi cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Ví dụ nếu họ có cơ hội làm việc tại một công ty Nhật Bản có liên quan chất bán dẫn thì sẽ có tác động tích cực rất lớn đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam trong tương lai.
Tôi tin rằng việc một ngành có giá trị gia tăng cao như công nghiệp bán dẫn "bén rễ" ở Việt Nam và tiếp tục phát triển kinh tế mạnh mẽ trong tương lai sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ cho Việt Nam mà cả Nhật Bản.
Việt Nam còn những vấn đề cần giải quyết để đạt được điều này, song Nhật Bản sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam phát triển trong 50 năm tới với tư cách là đối tác có mối quan hệ bền chặt.
* Là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam và là nước có nhiều kinh nghiệm trong cơ sở hạ tầng lớn, Nhật Bản có mong muốn và có lời khuyên gì cho Việt Nam trong lĩnh vực này?
- Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây, nhu cầu về cơ sở hạ tầng kinh tế, đặc biệt là giao thông và điện năng, ngày càng tăng cao. Mặt khác, để Việt Nam có thể phát triển độc lập thì cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ về "lượng" mà còn cả về "chất".
Đây là lối suy nghĩ đề cao việc xem xét tính minh bạch, cởi mở, hiệu quả kinh tế về chi phí vòng đời, tính bền vững nợ công... khi trang bị cơ sở hạ tầng.
Ví dụ cầu Nhật Tân nối liền sân bay Nội Bài và TP Hà Nội do một công ty Nhật Bản xây dựng bằng vốn vay ODA. Khi sản xuất các bộ phận của cây cầu này, nhờ chia sẻ dữ liệu sản xuất tại nhà máy Nhật Bản nên nhà máy Việt Nam có thể đáp ứng mức độ chính xác cần thiết trong quá trình sản xuất và công nghệ bí quyết sản xuất cũng đã được chuyển giao.
Tôi nghĩ dự án này đã góp phần phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao ở Việt Nam.
Như vậy, ODA của Nhật Bản được đánh giá là đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam cả về "lượng" và "chất". Nhật Bản mong muốn tiếp tục được tham gia vào quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam như một đối tác đáng tin cậy.
Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản
Một trong các hoạt động của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm là phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản.
Đánh giá về hoạt động này, Đại sứ Yamada Takio cho biết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có những hoạt động giao lưu và trao đổi ý kiến hiệu quả với các thành viên Quốc hội trong chuyến thăm.
Tối 26-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã đến sân bay Hadena (thủ đô Tokyo), đánh dấu chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên trên cương vị mới.