vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản?

2023-11-27 13:18

Ông Thanh, 70 tuổi, cùng hai con gái Trần Uyên Phương, 42 tuổi và Trần Ngọc Bích, 39 tuổi, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự. Ở Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát, ông Thanh là Giám đốc, bà Uyên là Phó giám đốc, bà Bích là nguyên giám đốc.

Theo kết luận điều tra, ông Thanh cùng hai con gái và một số người đã lợi dụng quy định về cho vay, lấy lãi suất 3% một tháng. Ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án. Khi bên vay trả đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận, ông Thanh đã "dùng thủ đoạn gian dối hoặc các lý do để không trả lại tài sản".

Tháng 8/2018, ông Nguyễn Văn Chung mua khu đất hơn 3.000 m2 ở phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM, sau đó làm thủ tục để tách thành hai. Đầu tháng 1/2019, khi thiếu tiền thanh toán mua đất, ông Chung được giới thiệu đến ông Nguyễn Phi Long vay tiền với lãi suất 3% một tháng.

Ông Long nói ông Chung muốn vay được 30 tỷ đồng của ông Thanh phải làm thủ tục vay 35 tỷ. Thay vì thế chấp tài sản như quy trình vay thông thường, ông phải làm thủ tục chuyển nhượng hai thửa đất cho chủ nợ.

Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh. Ảnh: Thành Nguyễn

Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh. Ảnh: Thành Nguyễn

Đem thỏa thuận này về trao đổi, nhờ chủ cũ giúp đỡ để có tiền trả nợ nhưng ngay lập tức bị từ chối bởi "thửa đất này đã bán, giờ lại ký hợp đồng giả cách bán cho bên khác là không được". Sau nhiều lần thuyết phục và được luật sư tư vấn, Chung mới được chủ đất cũ đồng ý giúp đỡ.

Ngày 11/1/2019, chủ cũ lô đất 2.400 m2 (đã được tách ra từ thửa đất cũ) ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Uyên, theo đề nghị của ông Chung. Tại thời điểm đó, thửa đất có giá trị 59 tỷ đồng song giá trị trong hợp đồng là 11 tỷ đồng. Cùng ngày, ông Thanh và Long chuyển 26,5 tỷ đồng cho chủ cũ lô đất để ông Chung lấy tiền trả nợ.

Muốn vay được thêm tiền, Chung phải sang tên thửa đất còn lại nhưng do thủ tục phức tạp nên Long đồng ý cho thế chấp tài sản. Ông Chung được giải ngân thêm 3,65 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền vay 35 tỷ đồng song ông được cầm về 30,1 tỷ.

Ông Chung sau đó làm thủ tục tách thửa đất đã chuyển nhượng cho bà Uyên để vay tiền thành 29 thửa đất nhỏ. Các chi phí sang tên sổ do ông Chung chịu. Sổ đỏ các thửa đất được mang về Tân Hiệp Phát quản lý.

Tháng 3/2019, ông Chung chuẩn bị đủ 35 tỷ đồng để trả cho ông Long và đề nghị bên cho vay làm thủ tục sang tên lại 29 thửa đất. Khi nghe báo lại việc này, ông Thanh yêu cầu "Chung phải trả đủ 49 tỷ đồng thì mới cho nhận lại tài sản", theo kết luận điều tra.

Ông Long hẹn ông Chung ở quán cafe để truyền đạt lại ý kiến này. Trước buổi nói chuyện, ông Long cho người thu toàn bộ điện thoại của Chung để tránh bị ghi âm. Khi bị yêu cầu phải trả 49 tỷ đồng mới được nhận lại đất, Chung không đồng ý, nói: "Em vay 35 tỷ nhưng chỉ được nhận 30,15 tỷ đồng bởi bên anh đã lấy ngay 4,85 tỷ tiền lãi 3 tháng và phí môi giới. Giờ bên anh lại đòi ăn không của em 14 tỷ là không được".

Long đáp: "Không nói nhiều, muốn lấy lại đất thì trả 49 tỷ đồng. Đất đứng tên bà Phương rồi thì chú lấy kiểu gì".

Theo kết luận điều tra, tìm mọi cách không xong, Chung gọi điện trực tiếp cho ông Thanh song cũng không đạt kết quả. Cho rằng bị chiếm đoạt 29 thửa đất, ông Chung khởi kiện dân sự ông Long và bà Uyên ra TAND quận Tân Bình. Khi tòa tổ chức hòa giải, bà Phương không đến mà gửi đơn khẳng định đã mua thửa đất của người khác (chủ cũ lô đất) chứ không quen biết ông Chung. Hiện 29 thửa đất vẫn do bà Phương quản lý.

Nhà chức trách cho rằng 29 thửa đất có giá trị là 83 tỷ đồng nên trừ đi 35 tỷ đã giải ngân, bố con ông Thanh đã chiếm đoạt của ông Chung 48 tỷ đồng.

Vay 115 tỷ đồng phải trả 154 tỷ

Ở một vụ khác, đầu năm 2018, ông Lâm Sơn Hoàng khó khăn về tài chính nên tìm người giúp đỡ cho vay tiền. Qua một người môi giới bất động sản, ông Hoàng được giới thiệu đến Nguyễn Hoàng Phú. Phú tự giới thiệu là cháu ông Thanh, sẽ giúp ông Hoàng vay được tiền.

Ông Hoàng sau đó trình bày muốn vay 100 tỷ đồng, tài sản thế chấp là 4 thửa đất có giá trị tầm 190 tỷ đồng ở xã Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức. Phú đồng ý giới thiệu ông Hoàng đến vay tiền của ông Thanh nhưng phải làm thủ tục chuyển nhượng 4 thửa đất trên cho bên cho vay. Lãi suất 3% một tháng, trừ ngay lãi 3 tháng đầu tiên vào tiền vay. Đồng thời, ông Hoàng phải trả phí môi giới là 3% trên tổng số tiền vay được.

"Mặc cả" không được, ông Hoàng đồng ý để Phú kết nối gặp ông Thanh vay tiền. Tại cuộc gặp ở trụ sở Tân Hiệp Phát, ông Hoàng được ông Thanh phổ biến về cách thức vay tiền như với những trường hợp khác, nếu không đồng ý thì "tìm chỗ khác".

Khi ông Hoàng lăn tăn vì rủi ro, Phú nhiều lần thuyết phục để người vay yên tâm về độ uy tín của ông Thanh. Cuối cùng, ông Hoàng chấp nhận vay tiền trong thời hạn 6 tháng và xin ông Thanh nếu khó khăn quá thì cho gia hạn thêm 3 tháng. Ông Thanh đồng ý với điều kiện đóng lãi đều, đến hạn sẽ bàn tiếp.

Tháng 1/2019, ông Hoàng ký hợp đồng chuyển nhượng 4 thửa đất cho cho bà Trần Phương Uyên. Tổng cộng, ông Hoàng vay của ông Thanh 115 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ được nhận về 103 tỷ đồng sau khi trừ 10,3 tỷ đồng lãi suất 3 tháng đầu và các khoản thuế, phí 668 triệu. Ông Hoàng còn phải chi thêm 3 tỷ đồng tiền môi giới cho Phú.

Bà Trần Uyên Phương khi chưa bị bắt. Ảnh: Tân Hiệp Phát

Bà Trần Uyên Phương khi chưa bị bắt. Ảnh: Tân Hiệp Phát

Ba tháng sau, đến hạn trả nợ nhưng chưa có tiền, ông Hoàng xin ông Thanh được cho tiếp tục trả lãi 3%/tháng và được đồng ý. Sau đó, cứ một tháng, ông Hoàng lại trả lãi một lần. Từ tháng 4/2019 đến tháng 5/2020, ông Hoàng đã trả lãi cho ông Thanh 33 lần, tổng 41,4 tỷ đồng.

Cuối tháng 10/2020, ông Hoàng tìm được khách mua 4 mảnh đất nên nhờ ông Thanh tạo điều kiện ký hợp đồng chuyển nhượng sang tên cho khách, song sau đó trả tiền. Chủ tịch Tân Hiệp Phát không đồng ý, yêu cầu trả tiền trước mới cho chuộc tài sản.

Ông Hoàng sau đó chuẩn bị đủ 154 tỷ đồng, gồm 115 tỷ tiền gốc và 39 tỷ tiền phạt, để trả nợ. Tối 11/11/2020, ông Hoàng cầm tiền đến phòng làm việc ông Thanh xin được trả nợ để chuộc lại 4 thửa đất. Ông Thanh không đồng ý do quá hạn 3 ngày.

Đến nay, 4 thửa đất của ông Hoàng đang đứng tên Trần Phương Uyên. 4 thửa đất có giá trị 195 tỷ đồng nên trừ đi 115 tỷ tiền đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt của ông Hoàng 80 tỷ đồng.

Ngoài hai vụ trên, ba bố con ông Thanh còn bị cáo buộc cho đại gia Kim Oanh Đồng Nai vay 500 tỷ đồng song sau đó chiếm đoạt hai mảnh đất. Trừ đi tiền đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt 600 tỷ đồng.

Trong vụ thứ 4, ông chiếm đoạt 2 thửa đất tại 643 và 643A Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM có giá trị 118 tỷ đồng của ông Nguyễn Huy Đông. Trừ đi 80 tỷ đồng đã giải ngân, ông Thanh bị cáo buộc đã chiếm đoạt của ông Đông 38 tỷ đồng.

Phạm Dự

Xem thêm: lmth.8311864-nas-iat-taod-meihc-coub-oac-ib-hnaht-iuq-nart-tahp-peih-nat-uhc-gno-oas-iv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao ông chủ Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools