Chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức dành cho 500 học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn quận 1, quận 3.
Khói thuốc lá điện tử có độc không?
Tại buổi tập huấn, khi bác sĩ Huỳnh Thị Hoài Thương - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - đặt câu hỏi: "Chất gì vừa có trong thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử?", rất nhiều cánh tay đã đưa lên. Và một nữ sinh đã khẳng định: "Đó là nicotine - một chất gây nghiện và rất độc".
Không những thế, các nam sinh còn khiến cả sân trường ồ lên khi nói về thuốc lá điện tử. Với câu hỏi: "Các nội dung quảng cáo về thuốc lá điện tử đều nói rằng thuốc lá điện tử không độc hại bằng thuốc lá truyền thống. Em nghĩ sao về việc này?".
Nam sinh Trương Quang Minh (lớp 10A10, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3) trả lời: "Em không tin những nội dung quảng cáo đó. Bởi thuốc lá điện tử có chứa 15.000 hợp chất tạo mùi thơm và một số chất khác có thể gây ngộ độc và gây ung thư".
Bác sĩ Huỳnh Thị Hoài Thương thông tin cho đến thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá điện tử đã phát triển hơn trước rất nhiều. Các nhà sản xuất đã và đang tìm mọi cách để lôi kéo người dùng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.
Hiện thuốc lá điện tử đã chứa hơn 15.000 hợp chất tạo mùi thơm. Trong đó có rất nhiều mùi như sô cô la, bạc hà, chanh dây… Nhiều người nghĩ rằng khói thuốc lá điện tử rất thơm và không độc hại nên không tránh né. Sự thật thì khói thuốc lá điện tử có chứa nicotine, rất độc.
Lần đầu tập huấn cho học sinh
Theo ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hiện nay học sinh, sinh viên đang trở thành đối tượng bị các phần tử xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng các chất gây nghiện dưới các hình thức thực phẩm trá hình như kẹo, trà sữa hoặc dạng bóng cười, shisha, cỏ Mỹ, thuốc lá điện tử…
Vì vậy, ngoài việc tập huấn cho giáo viên, đây là lần đầu tiên sở tập huấn cho học sinh về vấn đề này. Mục đích là để cho các em học sinh hiểu chính xác về thuốc lá điện tử, về các chất gây nghiện. Chương trình tập huấn sẽ được tổ chức theo cụm trường từ nay đến cuối tháng 12-2023.
Tại buổi tập huấn, bà Hoàng Thanh Thảo - phòng tuyên truyền, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM - còn cho biết thực tế hiện nay có nhiều chủng loại ma túy giá thành rẻ, dễ sử dụng. Vì vậy, nhiều trẻ em 13 - 14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Thậm chí, có nhiều trường hợp chỉ 13 - 14 tuổi đã thường xuyên rối loạn tâm thần, hoang tưởng, rối loạn nhịp tim... như người nghiện ma túy lâu năm.
Ngoài thuốc lá điện tử, thị trường đã xuất hiện các loại ma túy mới như tem giấy/bùa lưỡi; cỏ Mỹ (cần sa tổng hợp); muối tắm; nấm thần (ảo giác), bóng cười, nước dâu, nước xoài, khô gà…
Đừng nghĩ hút thuốc lá điện tử nhìn rất ngầu
Buổi tập huấn sôi động hẳn lên khi nam sinh Trần Gia Phú, lớp 10A3, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, trả lời câu hỏi về thuốc lá điện tử bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
"Tuổi học trò thường là tò mò. Nhiều bạn hút thuốc lá điện tử cũng vì tò mò và vì lý do là nhìn rất ngầu. Nhưng với thuốc lá điện tử thì không nên thử. Không phải hút thuốc lá điện tử mà nhìn ngầu đâu, nó đang hủy hoại sức khỏe của bạn đó" - Gia Phú khẳng định.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Tobacco Induced Diseases (tạm dịch: Các bệnh do thuốc lá gây ra) cho thấy tỉ lệ người trẻ hút thuốc lá điện tử tăng vọt, phần lớn do tác động từ truyền thông.