UBND TPHCM mới đây yêu cầu các sở ngành và đơn vị liên quan cho ý kiến về xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn và quy trình tổ chức thực hiện, tiếp nhận công trình xây dựng từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước.
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dự kiến được xây giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn, được khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2027 với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 7, một doanh nghiệp đã đề xuất tài trợ xây dựng công trình này và bàn giao cho TPHCM khai thác, sử dụng vì mục đích cộng đồng. Doanh nghiệp này là Công ty Nutifood, tên chính thức là Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood.
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về thành lập doanh nghiệp cho biết đơn vị này được thành lập vào tháng 3/2000 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Những cổ đông tham gia sáng lập gồm Hội dinh dưỡng TPHCM (tỷ lệ sở hữu là 0,48%), Tổ chức Công đoàn Trung tâm dinh dưỡng trẻ em TPHCM (sở hữu 7,01%), ông Huỳnh Nam (sở hữu 0,02%), bà Trần Thị Lệ (13.08%). Sau 17 lần thay đổi đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ ở thời điểm hiện tại của doanh nghiệp là 210 tỷ đồng.
Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc hiện nay là bà Trần Thị Lệ.
Bà Trần Thị Lệ là một trong những nữ doanh nhân nổi tiếng tại Việt Nam. Tạp chí Forbes Asia từng bình chọn bà cùng nhà sáng lập hãng hàng không Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo vào danh sách những nữ doanh nhân thành đạt trong kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo thông tin, sau khi tốt nghiệp đại học Y khoa TPHCM, năm 1998 bà Lệ được phân công về làm việc tại Trung tâm dinh dưỡng TPHCM sau đó chuyển qua Cơ sở thực phẩm Đồng Tâm. Hai năm sau, bà được cử vào vị trí giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (tiền thân của Nutifood).
Giai đoạn 2000-2007, công ty này tăng trưởng nhanh và tiến hành niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM. Báo cáo tài chính cho biết doanh thu năm 2007 của doanh nghiệp đạt 501,5 tỷ đồng, tăng 27,8% so với năm trước đó. Tổng tài sản cuối năm 2007 ở mức 394,9 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cuối năm 2006.
Tuy nhiên sau giai đoạn bùng nổ, đến năm 2008, công ty rơi vào khủng hoảng khi tổng tài sản sụt giảm về mức 241,2 tỷ đồng. Tiền mặt của doanh nghiệp lao dốc từ 131 tỷ đồng cuối năm 2007 chỉ còn 16,6 tỷ đồng cuối năm 2008. Phải thu khách hàng cũng giảm mạnh từ 99,2 tỷ đồng về mức 15,2 tỷ đồng.
Doanh thu bán hàng năm 2008 đạt mức 287,9 tỷ đồng, giảm 43%.
Hội đồng quản trị đề xuất bà Trần Thị Lệ quay lại điều hành sau khi bà rút lui khi doanh nghiệp tăng trưởng bùng nổ trước đó. Báo cáo thường niên năm 2008 cho biết bà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.
Doanh nghiệp ngành sữa này dần phục hồi. Báo cáo tài chính năm 2013 ghi nhận mức doanh thu bán hàng 2.774,4 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2012. Tổng tài sản cuối năm 2013 đạt 2.301,4 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Nutifood không còn công bố thông tin tài chính kể từ năm 2014.
Nhân vật cùng gánh vác Nutifood là ông Trần Thanh Hải - chồng bà Lệ. Năm 2011, ông Hải đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Vị doanh nhân này giữ vai trò định hướng chiến lược trong khi bà Lệ đảm nhiệm vị trí điều hành, nghiên cứu phát triển.
Năm 2019, ông Hải cùng ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng)- Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm lập nên chuỗi cà phê Ông Bầu.
Theo báo cáo phân tích của một công ty chứng khoán, Nutifood là một trong những đơn vị phân chia thị phần thị trường ngành sữa bên cạnh Vinamilk, Mộc Châu milk, TH True milk, Dutch Lady. Ngành này được dự báo đạt mức tăng trưởng kép 7,7% về doanh số giai đoạn 2021-2025.
Những năm gần đây, Nutifood nổi lên với các thương vụ M&A như việc gia nhập ngành cà phê thông qua Công ty cổ phần Cà phê Phước An (mã chứng khoán: CPA). Tuy nhiên tháng 12 năm ngoái, công ty sữa này đã thoái sạch hơn 77% cổ phần tại doanh nghiệp cà phê này.
Tháng 8 năm ngoái, doanh nghiệp này và công ty con là Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương công bố sở hữu tổng cộng 7,02% vốn cổ phần Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán: QNS).