Ngày 27-11, tại tọa đàm "Kinh tế tuần hoàn – Trung hòa carbon: Con đường tất yếu" do Báo Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp cùng Câu lạc bộ Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon – GREEN MEDIA HUB tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, đồ uống hàng đầu tại Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm thành công trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển bền vững Heineken Việt Nam, cho biết công ty đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE của tổ chức Ellen MacArthur Foundation.
Về bao bì, tất cả bao bì sản phẩm của Heineken Việt Nam đều có thể tái chế. Hơn 98% két nhựa được thu hồi và tái sử dụng từ 5 đến hơn 10 năm, 97% chai thủy tinh được tái sử dụng đến hơn 30 lần, lon nhôm được sản xuất với 40% nguyên liệu nhôm tái chế và 100% nguyên liệu giấy tái chế được dùng để sản xuất thùng carton.
Các doanh nghiệp, chuyên gia chia sẻ về kinh tế tuần hoàn tại tọa đàm "Kinh tế tuần hoàn – Trung hòa carbon: Con đường tất yếu" ngày 27-11
Heineken Việt Nam cũng tối ưu hóa trong kho vận, sử dụng nguyên liệu trong sản xuất bao bì. Bên cạnh đó là số hóa trong hoạt động văn phòng và sự kiện; đổi mới trong làm lạnh và kho vận, tủ lạnh xanh tiết kiệm điện, giúp giảm 63% phát thải CO2 và sử dụng xe nâng điện trong kho vận.
Nestlé Việt Nam đã chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn từ khâu thiết kế sản phẩm đến việc biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị, nhằm bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên.
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cho hay công ty đã giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm 2021 - 2022 nhờ cải tiến thiết kế, loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường. Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.
Công ty cũng sử dụng nhựa PE tái sinh cho bao bì sản phẩm NESCAFÉ, chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy.
"Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần bảo đảm ba nguyên tắc, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm, trong đó bao gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm, tăng vòng đời sản phẩm, nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên" - ông Hưng cho biết.
Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN-MT - Bộ TN-MT, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải. "Chúng tôi coi việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp, nếu chúng ta không thực hiện các quy định về tuần hoàn thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi" - PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Anh Đào - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), cho hay thị trường chứng khoán hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM nhưng thống kê của HoSE trong rổ VN100 (tương ứng 100 công ty lớn mạnh nhất của Việt Nam) chỉ có 12 doanh nghiệp có báo cáo thống kê theo phạm vi khí phát thải nhà kính. Trong đó, chỉ 7 doanh nghiệp là có số liệu đầy đủ ở 3 khía cạnh phát triển bền vững: môi trường, xã hội và quản trị (ESG).