Thêm loạt doanh nghiệp 'ăn phạt' vì ém thông tin trái phiếu
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành loạt quyết định xử phạt doanh nghiệp vì không công bố thông tin theo quy định.
Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Đắk Lắk bị phạt 85 triệu đồng vì không công bố báo cáo tài chính năm 2021, bán niên 2022; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021 và 2022 và việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn.
Cơ quan thanh tra cũng đã ban hành quyết định xử phạt Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex - Bình Phước vì không gửi báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020, bán niên 2021.
Báo cáo tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu, báo cáo tài chính cũng không được Becamex - Bình Phước công bố đúng quy định…
Ngoài hai doanh nghiệp nêu trên, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros phải nộp phạt 92,5 triệu đồng vì không công bố báo cáo tài chính năm 2021, 2022 đã được kiểm toán; báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét năm 2022, 2023; báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023…
Việt Nam xuất siêu hơn 1,5 tỉ USD sang Nhật Bản
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10, kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản đạt gần 37 tỉ USD. Với kết quả này, Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 19,2 tỉ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Hết tháng 10 có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là dệt may với hơn 3,3 tỉ USD, tăng nhẹ khoảng 18 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,42 tỉ USD là nhóm hàng đứng thứ hai, đây là nhóm hàng chủ lực có tăng trưởng cao gần 18%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng thứ ba với kim ngạch 2,27 tỉ USD giảm khoảng 30 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ tư là gỗ và sản phẩm với kim ngạch gần 1,4 tỉ USD, giảm khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ 2022. Đây là một trong những nhóm hàng chủ lực có mức giảm mạnh nhất (giảm gần 10%). Thủy sản đạt gần 1,25 tỉ USD đứng thứ năm.
Chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nhật Bản đạt hơn 17,743 tỉ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng chiếm 6,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Như vậy, hết tháng 10, Việt Nam xuất siêu gần 1,5 tỉ USD sang Nhật Bản. So với các đối tác lớn khác như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản ở mức khá cân bằng.
Quốc hội xem xét thông qua Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi
Theo chương trình kỳ họp sáng 28-11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản, điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản.
Sửa đổi, bổ sung quy định về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai...
Tiếp đó, trong buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Vào buổi chiều Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rút kinh nghiệm trong điều hành tín dụng
Trong công điện vừa gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, điều hành tín dụng và quyết liệt thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuyệt đối không để tắc nghẽn, chậm trễ, không đúng thời điểm; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 1-12.
Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công điện này theo thẩm quyền.
Một số tin tức đáng chú ý: Việt Nam thu hơn 6,9 tỉ USD từ xuất khẩu sắt thép sau 10 tháng; TP.HCM phát động thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh; Chỉ 50% người Việt hiểu rõ gian lận trực tuyến...