vĐồng tin tức tài chính 365

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, tính khả thi của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

2023-11-28 06:41

Nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật.

Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025: “Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững;”.

Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài. Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định. Theo đó, chất lượng của dự thảo Luật được nâng lên đáng kể.

image

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự thảo luật đã bổ sung 01 Chương về Ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng Luật riêng về ngân hàng chính sách.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng như: Khái niệm về vốn điều lệ (khoản 14 Điều 4); doanh thu và nguyên tắc ghi nhận doanh thu từ hoạt động cấp tín dụng (Điều 145), Chi phí và nguyên tắc ghi nhận chi phí (Điều 146), Phân phối lợi nhuận và các quỹ (Điều 148), trong đó bổ sung quy định về tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…

Đối với Dự phòng rủi ro (Khoản 2 Điều 147), tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý thành “Việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Chính phủ quy định”, thay vì quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Tiếp thu ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, dự thảo luật đã bỏ quy định liên quan đến trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước tại khoản 1 Điều 168 của dự thảo Luật để phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.

image

Các Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp

Ngoài các nội dung nêu trên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung, chỉnh lý nhiều quy định như: Thư tín dụng (khoản 25 Điều 4); Thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung và thu hồi Giấy phép (Điều 27); Tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng (Điều 41); Những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 43); Công khai, công bố thông tin (Điều 49); tổ chức tín dụng là hợp tác xã (Mục 6, Chương IV); Xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay (Điều 102); Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại (Điều 114); khái niệm và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (khoản 4 Điều 4 và Mục 3 Chương V)…

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định trách nhiệm của Bộ Công an tại Điều 188, bỏ nội dung “lệ phí trước bạ” tại Điều 191 về thứ tự ưu tiên thanh toán; sửa đổi quy định chuyển tiếp tại Điều 202. Trong đó, bổ sung tại khoản 10 Điều 202 quy định chuyển tiếp đối với tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng.

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu. Do vậy, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau. “Đây là việc hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo luật.

Tại phiên họp này, các đại biểu Quốc hội đã phát biểu nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật. Ý kiến của các đại biểu tập trung vào các quy định liên quan đến các vấn đề như: Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng; Lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng và đối với khách hàng và người có liên quan; Tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; Can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt TCTD; Quy định về kiểm tra, thanh tra, giám sát TCTD; xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…

Tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến nhằm nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, tính khả thi của dự án Luật

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, quan tâm, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là luật khó, phức tạp, chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là rất đáng trân trọng, sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.

Thống đốc NHNN cho biết, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, hoạt động tuân thủ theo các pháp luật về doanh nghiệp, tuy nhiên tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính, huy động tiền của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác để cho vay, nên các tổ chức tín dụng cũng phải hoạt động tuân thủ theo các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro, tuân thủ các giới hạn an toàn. Luật Các tổ chức tín dụng này sẽ có những quy định đảm bảo giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.

image

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội

Với tính chất khó và phức tạp nêu trên, trong quá trình dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ban soạn thảo đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm từ sớm, từ xa của các lãnh đạo Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, cuộc họp đã được tổ chức, qua đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra những ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội. Ngay sau phiên thảo luận của Quốc hội về dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5, cơ quan soạn thảo đã tích cực phối hợp với Ủy ban Kinh tế, các bộ, ngành để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Chính phủ.

Trong dự thảo luật này, có nhiều quy định được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đặc biệt là những nội dung nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, để hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn; bổ sung yêu cầu trách nhiệm, các giải pháp từ chính các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức này gặp vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành của tổ chức tín dụng; minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, công khai thông tin về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…

Qua nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Bởi vậy, việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở Kỳ họp sau.

Thống đốc NHNN cho biết, với ý kiến đóng góp của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế để nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu, giải trình đầy đủ, báo cáo Chính phủ để Chính phủ có báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội tại Kỳ họp sau.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã bao quát, toàn diện, đi sâu vào nhiều vấn đề trọng tâm, với những nội dung, Điều khoản cụ thể, đề cập đến những vấn đề thực tiễn phong phú đang vướng mắc, còn nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tâm huyết, trí tuệ, không khí thảo luận sôi nổi, thắng thắn với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.

Các ý kiến phát biểu thống nhất cơ bản với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật, đồng thời cũng phân tích, làm rõ, góp ý thêm nhiều nội dung cụ thể, chỉnh sửa chi tiết hơn, đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn nhằm nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, tính khả thi của các quy định trong luật, tính thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngay sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, gửi báo cáo tổng hợp tới các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thành dự thảo luật cùng báo cáo tiếp thu giải trình với chất lượng cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất. 

CKH

Xem thêm: 144385VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags: Tín dụng

“Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, tính khả thi của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools