Thoạt tiên đó là những lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực tư duy, khả năng nghiên cứu khoa học dành cho học sinh xếp hạng khá giỏi. Đó cũng là lớp phụ đạo dành cho học sinh xếp hạng yếu kém, được tổ chức bên trong trường theo kế hoạch năm học.
Xuất phát từ nhu cầu có thật
Nhưng theo thời gian và tác động từ cuộc sống còn nhiều khó khăn của nhà giáo, dạy thêm chuyển sang một dạng làm thêm ngoài giờ của cá nhân và mở rộng hợp thức hóa trong giờ của các trường dưới dạng lớp học tăng cường.
Tất nhiên trong hệ thống môn học của các cấp, trường tổ chức dạy đại trà theo lớp tăng cường sẽ chọn các môn như toán, lý, hóa, ngoại ngữ, văn. Giáo viên đứng lớp dạy các bộ môn này cũng có nhiều cơ hội để dạy thêm tại nhà. Những môn như sử, địa, giáo dục công dân, công nghệ, nghệ thuật thì không tổ chức được lớp vì không có người học.
Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản về quản lý dạy thêm - học thêm. Các sở GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản nhưng hầu như đều dừng ở mức phổ biến cho đúng quy trình, thủ tục. Còn đến nay vẫn chưa có kết luận nào khả thi để thực hiện.
Ngày 20-11-2023, phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy cần đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhiều đại biểu còn so sánh bác sĩ khám bệnh ở phòng mạch tư được thì giáo viên cũng dạy thêm được.
Dạy thêm - học thêm là nhu cầu có thật của học sinh và gia đình. Nếu dạy thêm phục vụ cho sự tự nguyện của người học thì rất đáng hoan nghênh và cần khuyến khích, tổ chức bên trong hay ngoài nhà trường đều tốt.
Hiệu ứng của nó là hỗ trợ cho phát triển năng lực tư duy của học sinh, bổ sung những phần thiếu từ tiết học đại trà nhưng không làm chệch định hướng và bản chất giáo dục phổ thông.
Dạy trước, dạy lại
Tuy nhiên, hệ lụy đáng bàn luận để kịp thời chấn chỉnh trong tình hình hiện nay và lâu dài đó là việc dạy trước - học trước và dạy lại - học lại.
Để thu hút người học, rất nhiều lớp dạy thêm thực chất là dạy trước. Trong kỳ nghỉ hè, học sinh theo học những lớp này hầu hết học trước hơn nửa học kỳ I của chương trình năm học tới. Rất nhiều lớp dạy thêm dạy trước cho học sinh phần kiến thức chưa đến tiết học.
Điều này tạo ra tâm lý chủ quan ở học sinh và độ vênh đáng kể về khả năng tiếp thu trong lớp học chính khóa. Về mặt chuyên môn sẽ không đánh giá được thực chất việc thực hiện nội dung và tiến độ của chương trình năm học.
Nhiều lớp học tăng cường tổ chức trong trường và nhà riêng của giáo viên thực chất chỉ là dạy lại phần kiến thức mà ở lớp học chính khóa đã diễn ra "sơ sài vì lý do nào đó". Học sinh phải mất thêm thời gian để học lại phần mà lẽ ra đã được hoàn tất. Gia đình phải tốn thêm nhiều khoản tài chính rất lớn để con em mình chỉ đi học lại.
Giáo dục là sự nghiệp, dạy học là nghề có điều kiện. Trường và lớp học ở bất cứ quy mô nào cũng là thế giới rất riêng, kính cẩn cho việc rèn luyện - dạy dỗ con người trở thành công dân tốt.
Nếu đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ để quản lý dạy thêm, học thêm thì giáo viên sẽ hành xử thiên chức nhà giáo như một người lao động nghề nghiệp. Lúc đó sẽ kéo theo trăm kiểu quảng cáo về phục vụ giá cả, và trăm chiêu bài khác để kinh doanh.
Cấm triệt để dạy trước
Có lẽ trong tình hình hiện nay, Bộ GD-ĐT cần phải nghiêm cấm triệt để việc dạy trước, người vi phạm phải bị xử nghiêm. Không cho phép tổ chức các lớp dạy tăng cường (một hình thức dạy thêm) trong trường học.
Thời gian phải được phân bố và dành để nghiêm túc thực hiện các hoạt động ngoại khóa, tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh. Nhiều bộ môn văn hóa nghệ thuật hiện chưa được tổ chức dạy đầy đủ là một thiệt thòi lớn của lớp trẻ.
Ngoài ra hiệu ứng đám đông đã khiến rất nhiều gia đình phải cho con đi học thêm để "không thua con nhà bên cạnh". Đây là nguyên nhân cho sự bùng phát dạy thêm - học thêm vượt tầm kiểm soát hiện nay.
Giảm bớt nhu cầu học thêm
Bộ GD-ĐT cần tiếp tục nghiên cứu tinh giản chương trình và khối lượng kiến thức các bộ môn giáo dục phổ thông. Điều này sẽ giảm bớt nhu cầu học thêm và sẽ hạn chế dạy thêm.
Nếu đầu tư về học thuật, tổ chức giảng dạy tốt hơn thì chắc chắn một ngày không xa nhiều gia đình sẽ chọn cho con em mình đi học thêm nhạc, họa, khiêu vũ, nghệ thuật… Lúc đó giáo dục mới hoàn thành sứ mệnh trồng người.
TTO - Theo chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, kể từ năm học 2016 - 2017 sẽ chấm dứt việc tổ chức học thêm, dạy thêm tại các trường, chỉ cho phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, bồi dưỡng văn hóa ngoài nhà trường.