Hãng tin CNN cho hay tỷ phú nổi tiếng Trung Quốc Jack Ma, nhà sáng lập của Alibaba sau khi bán gần hết cổ phần trong công ty cũ đã quyết định chuyển nghề đi kinh doanh đồ ăn.
Ở tuổi 59, nhà khởi nghiệp cực kỳ nổi tiếng trong làng công nghệ Trung Quốc này đã lại một lần nữa mở công ty kinh doanh đồ ăn sẵn mang tên "Hangzhou Ma’s Kitchen Food".
Theo tài liệu chính thức, doanh nghiệp này được thành lập vào tuần trước ở Hangzhou, quê hương của Jack Ma và cũng là nơi đặt trụ sở chính của Alibaba.
Dữ liệu từ Cổng thông tin điện tử doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy doanh nghiệp mới của Jack Ma sẽ tập trung bán đồ ăn đóng sẵn, xuất nhập khẩu cùng hàng nông sản với tổng số vốn đăng ký là 10 triệu Nhân dân tệ, tương đương 1,4 triệu USD.
Trong khi đó, số liệu của Qichacha cho thấy Jack Ma nắm giữ đến 99,9% cổ phần của doanh nghiệp mới này, cho thấy quyết tâm khởi nghiệp của vị tỷ phú này sau khi phải từ bỏ đế chế thương mại điện tử của mình.
Theo CNN, hiện vẫn chưa rõ mô hình kinh doanh hay loại sản phẩm cụ thể nào mà công ty của Jack Ma sẽ bán nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy không phải tự nhiên mà nhà sáng lập Alibaba lại đổi nghề đi bán thức ăn trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.
Tầm nhìn mới
Hãng tin CNN cho rằng dù chưa có nhiều thông tin nhưng rất nhiều lời đồn đoán đã diễn ra, cho rằng Jack ma đang nhắm đến thị trường đồ ăn sẵn đang bùng nổ ở Trung Quốc.
Số liệu của Euromonitor International cho thấy thị trường đồ ăn sẵn, loại thực phẩm đã được nấu chín và đóng gói, chỉ cần hâm nóng lại trong lò vi sóng có tổng giá trị lên đến 71,1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 9,9 tỷ USD năm 2022, tăng 28% so với năm 2018.
Ngoài ra, nhu cầu về những dạng thực phẩm đóng gói khác cũng tăng mạnh. Ví dụ bộ hộp thực phẩm đóng sẵn dành cho trẻ em đã tăng gấp 3 lần tổng giá trị thị trường, từ 10,6 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) năm 2018 lên 29,1 tỷ Nhân dân tệ (4 tỷ USD) năm 2022.
"Mặc dù chiến lược của Jack Ma vẫn chưa rõ ràng nhưng chắc chắn thị trường đồ ăn sẵn có tiềm năng cực kỳ lớn", giám đốc Ben Cavender của tập đoàn nghiên cứu thị trường CMRG nhận định.
"Đồ ăn sẵn đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc khi lượng lao động tại thành thị tăng lên và họ không có thời gian nấu nướng hay đi ra ngoài. Sự tiện lợi, tự do chọn món và tiết kiệm thời gian đã giúp mảng này trở nên đầy tiềm năng", ông Ben bổ sung.
Cũng theo giám đốc Ben, thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch đã dần thay đổi khi người dân chấp nhận ở trong nhà và gọi món nhiều hơn là ra ngoài tụ tập ăn uống. Thêm nữa, nền kinh tế giảm tốc cũng khiến ngày càng nhiều người lựa chọn gọi món với giá cả hợp lý hơn là ra nhà hàng.
Ngay cả khi chuyển hướng sang bán thực phẩm tươi sống như trái cây thì doanh nghiệp của Jack Ma cũng có thể tận dụng phân khúc khách hàng chất lượng cao nhờ mối quan hệ thông qua các sàn thương mại điện tử của Alibaba, qua đó gia tăng giá trị đầu tư.
Bước đi chuẩn bị sẵn
Ngay cả việc kinh doanh nông sản của Jack Ma cũng được nhiều người cho là bước đi đã chuẩn bị sẵn từ khi ở ẩn.
Jack Ma sáng lập Alibaba từ năm 1999 nhưng phải từ chức vào năm 2019 vì những phát ngôn bừa bãi về hệ thống quản lý tài chính, ngân hàng của Trung Quốc. Kể từ đó, vị tỷ phú này phải ở ẩn dù vẫn là cổ đông chiến lược của Alibaba.
Trong khoảng thời gian này, vị tỷ phú từng làm mưa làm gió trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đã liên tục lang thang khắp nơi để đi học nuôi cá, trồng lúa cũng như nói chuyện về nông nghiệp.
Tỷ phú Jack Ma đã từng đến thăm trại nghiên cứu nuôi cá ngừ ở Nhật Bản, dù nhân viên tại đây chẳng nhận ra ông là ai. Tiếp đó nhà sáng lập Alibaba cũng đến thăm một trường đại học tại Hà Lan để học hỏi về sản xuất lương thực bền vững.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal (WSJ), nhà sáng lập Alibaba có đam mê với công nghệ sản xuất lương thực Nhật Bản và thường than thở tại sao Trung Quốc không có những thứ tương tự.
Trên thực tế vào năm 2017, Jack Ma đã từng nói rằng những kỹ thuật như điện toán đám mây hay dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp ích rất nhiều cho nông nghiệp Trung Quốc. Vị tỷ phú này tuyên bố việc hiện đại hóa nông nghiệp là điểm sáng và cũng là yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc trong 20-30 năm tới.
Năm 2019 tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos-Thụy Sĩ, Jack Ma thậm chí đã nói rằng nếu phải xây dựng một mảng kinh doanh mới thì ông sẽ đổ tiền vào nông nghiệp.
Tháng 7/2022 khi còn đang trong giai đoạn ẩn dật, Jack Ma được phát hiện đã đi thăm trường đại học Wageningen University& Reseach tại Hà Lan. Phía trường đại học này cho biết Jack Ma đã bày tỏ mong muốn đầu tư thời gian và công sức cho việc phát triển nông nghiệp, lương thực bền vững, bao gồm cả ở những khu vực như sa mạc Gobi.
Bước sang tháng 10/2022, vị tỷ phú này lại xuất hiện ở Viện nghiên cứu đại dương (ARI) thuộc trường đại học Kindai University-Nhật Bản. Đây là nơi ghi nhận đã tìm ra cách nuôi thành công cá ngừ vây xanh, hướng đến việc tạo ra nguồn cung cấp cá ổn định cho thị trường sushi.
Phía trường đại học cho biết Jack Ma đến tham quan cùng một đoàn doanh nhân ngoại quốc. Vị tỷ phú này khá lặng lẽ nghe hướng dẫn viên nói chuyện mà không hề bộc lộ thân phận và mọi người cũng chẳng ai nhận ra ông. Sự việc chỉ bộc lộ khi một nhân viên xem lại những bức ảnh chụp sự kiện và nghi ngờ về danh tính của vị khách.
"Chúng tôi xem lại danh sách đăng ký ngày hôm đó và tên của ông ấy nằm ngay đó", nhân viên trường đại học nhớ lại.
Vào tháng 1/2023, đến lượt thủ đô Bangkok-Thái Lan trở thành điểm đến của Jack Ma. Nguồn tin thân cận cho biết vị tỷ phú này đã có cuộc gặp với Phó chủ tịch Dhanin Chearavanont của tập đoàn Charoen Pokphand Group, một đế chế kinh doanh khổng lồ tại Thái Lan bao gồm cả mảng thực phẩm.
Nguồn tin của WSJ cho biết cả 2 đã bàn luận về tình trạng thiếu lương thực trên thế giới và tỷ phú Jack Ma đã nêu lên việc tổ chức một cuộc hội thảo về công nghệ trồng lúa tại Thái Lan.
Rõ ràng, việc chuyển nghề bán đồ ăn và nông sản của Jack Ma không phải ngẫu hứng, nhất là khi vị tỷ phú này phải khởi nghiệp lại ở tuổi 59 khi bị ép từ bỏ đế chế Alibaba của mình.
*Nguồn: CNN, Business Insider, WSJ