Nhiều cuộc đấu giá có biểu hiện bất thường
Thảo luận tại hội trường sáng 28/11 về Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (đoàn ĐBQH Long An) cho rằng, quy định mức tiền đặt trước từ 5-20% như hiện hành là phù hợp. Nếu nâng lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản.
Bà Dung đề cập tới một số tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt, như là phô trương thanh thế hoặc thao túng thị trường để hình thành mặt bằng giá mới.
Bà Dung cũng đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền. Tất nhiên, việc phạt này phải dựa trên cơ sở bổ sung các quy chế, chế tài có liên quan.
Đặc biệt, theo bà Dung, thời gian qua, nhiều cuộc đấu giá có biểu hiện bất thường, trả giá quá cao so với mặt bằng chung, nhất là tài sản công (quyền sử dụng đất, quyền khai thác mỏ), giá trả cao hơn giá khởi điểm tới 204 lần.
"Từ giá khởi điểm 24 tỷ đồng nhưng giá trúng đấu giá lên tới 1.684 tỷ đồng", nữ đại biểu dẫn chứng, và cho rằng luật chưa quy định đấu giá viên hoặc người có tài sản đấu giá được quyền dừng hoặc yêu cầu dừng cuộc đấu giá để xử lý các trường hợp tương tự.
Cần có các quy định chặt chẽ, công khai
Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Ấn (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giá viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự.
Đại biểu nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, "quân xanh, quân đỏ", cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.
Đại biểu Phạm Đức Ấn cũng nêu tình trạng ép giá, kiến nghị về việc đấu giá làm kéo dài thời gian hoàn thiện được các thủ tục để mua tài sản đó.. Vì vậy, cần có những giải pháp để xử lý vấn đề này, trong đó thời gian xem xét tài sản 2 ngày cần được tăng thêm ít nhất 3 ngày.
Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.
Ông Ấn cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của dự thảo luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý.
Phát biểu tranh luận về chế tài, hình thức xử lý đối với người trúng đấu giá từ bỏ quyền mua tài sản, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH Bắc Giang - cho rằng, đây là quan hệ dân sự, trong mọi trường hợp, phải tôn trọng, bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá.
"Chỉ nên điều chỉnh bằng các quan hệ khác, trong trường hợp này, cần điều chỉnh về tiền đặt trước", ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, khi đấu giá theo hình thức trả giá lên nhiều vòng liên tục, khi nào giá bắt đầu đến mức gấp 2 lần giá khởi điểm ban đầu thì cho phép điều chỉnh giá đặt trước. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Ông Thịnh cũng lưu ý, quy định về tiền đặt trước này chỉ nên đặt ra đối với tài sản Nhà nước mang ra đấu giá, không nên điều chỉnh đối với các tài sản khác.