Tình hình hoạt động sản xuất 10 tháng đầu năm giai đoạn 2022- 2023 của ngành dược Việt Nam được đánh giá giữ được gam màu sáng, trong bối cảnh ảm đạm của đa số lĩnh vực, theo báo cáo của Vietnam Report công bố ngày 28-11.
Dù đà tăng trưởng của ngành dược giảm tốc trong quý 3-2023 và chứng kiến lợi nhuận phân hóa giữa các doanh nghiệp, tuy nhiên, xét chung 10 tháng thì tình hình vẫn sáng.
Gam màu tích cực vẫn đóng vai trò chủ đạo trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dược, với đa số doanh nghiệp dược ổn định và duy trì nhịp tăng trưởng về doanh thu với 73,7% số doanh nghiệp và 78,9% doanh nghiệp cho biết duy trì về lợi nhuận.
Với vị thế là một ngành thiết yếu, ngành dược dường như ít chịu ảnh hưởng từ những "rung lắc" của thị trường và sự suy giảm của kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, tình hình chung của kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện (ETC – thuốc có kê đơn) chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt. Trong đó, đóng góp lớn cho sự tăng trưởng của kênh này đến từ việc các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện đã được nới lỏng và thông thoáng hơn.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh ở mảng OTC (thuốc không kê đơn) có dấu hiệu đi ngang, thậm chí suy giảm nhẹ. Một trong những nguyên nhân chính là sau thời kỳ dịch bệnh kéo dài, nhu cầu sử dụng, tích trữ các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm về đường hô hấp... của người dân không còn tăng đột biến.
Theo các chuyên gia của Vietnam Report, thị trường dược Việt Nam còn thiếu tính ổn định, do nguyên liệu sản xuất phụ thuộc tới 90% vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Sự phụ thuộc này khiến ngành dược nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài như biến động tỉ giá, giá nhập khẩu hay những cú sốc về nguồn hàng.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại chưa nhận được sự quan tâm tương xứng.
Các công ty dược trong nước hiện nay chủ yếu tập trung sản xuất các loại thuốc generic có giá trị thấp, giá rẻ, khả năng cạnh tranh kém, dẫn đến tình trạng vừa phải cạnh tranh với các loại thuốc generic nhập khẩu, vừa cạnh tranh nội bộ ngành. Do đó, tồn tại tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường.
Một yếu tố hỗ trợ sự phát triển ngành là hiện nay, ngành dược phẩm không chỉ bó hẹp trong sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị, thiết bị y tế. Các nhà kinh doanh đã mở rộng sang các sản phẩm đa dạng từ thuốc chữa bệnh, dược mỹ phẩm, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, "cosmeceutical" - mỹ phẩm thảo dược, các sản phẩm tiêu dùng có yếu tố thảo dược như tinh dầu…
Kênh phân phối của ngành dược cũng không chỉ tập trung vào nhà thuốc và bệnh viện như trước đây mà đã mở rộng sang các kênh tiêu dùng khác, trong đó sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử và hệ thống chuỗi nhà thuốc...
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Giải pháp nào để thực hiện được mục tiêu này?