Ngày 28-11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội”.
Lo bảo hiểm xã hội tiến ít lùi nhiều
Theo ông Trần Hải Nam - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức quốc tế cảnh báo nếu duy trì rút bảo hiểm một lần hiện nay thì an sinh lâu dài sẽ bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của Vụ Bảo hiểm xã hội, giai đoạn 2016 - 2022, gần 5 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng trung bình khoảng 12,3%/năm.
Với hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Nam đánh giá phương án 1 chưa thực sự tối ưu vì khoảng 17 triệu người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1-7-2025) vẫn có quyền rút một lần.
Trong khi đó, phương án 2 cho phép rút tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng, còn lại bảo lưu sẽ phát sinh vấn đề. Đó là người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng lương hưu về già sẽ thấp do thời gian đóng giảm.
“Sau khi Quốc hội cho ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện và có những phương án như lồng ghép giữa hai phương án trên hoặc là lựa chọn phương án thứ ba. Nhưng chọn phương án nào, chúng ta sẽ hướng tới mục tiêu để người lao động lựa chọn ở lại hệ thống đảm bảo an sinh lâu dài", ông Nam nói.
Để tăng niềm tin, theo ông Nam, dự luật sửa đổi bổ sung chế tài phạt bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp trốn đóng nhiều tháng, cơ quan chức năng có thể ngừng sử dụng hóa đơn, tạm hoãn xuất cảnh với chủ sử dụng lao động.
Làm gì để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần?
Ông Nguyễn Hải Đạt - chuyên gia của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cho biết có 9 tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản gồm chế độ gia đình trẻ em, thất nghiệp, y tế, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất sức lao động, tử tuất và hưu trí.
Hiện Việt Nam đã có 7/9 chế độ theo tiêu chuẩn song mức đầu tư an sinh xã hội mới đạt 5%, thấp hơn trung bình thế giới (13%).
Còn bảo hiểm xã hội một lần, ông bày tỏ nhiều người hiểu tiền đóng bảo hiểm xã hội là “tiền tiết kiệm” nên khi mất việc, sinh con thì họ rút một lần. Tuy nhiên, việc này khiến người lao động mất hỗ trợ khẩn cấp khi ốm đau, thai sản, thất nghiệp…
“Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới cho phép người lao động rút toàn bộ bảo hiểm xã hội”, ông Đạt nêu.
Chuyên gia ILO cho biết nhiều phụ nữ tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là độ tuổi khoảng 25 - 29 tuổi, tuy nhiên càng lớn tuổi, số phụ nữ tham gia lại giảm.
Về độ tuổi trên 65 tuổi, số phụ nữ có lương hưu khoảng 16%, trong khi tỉ lệ nam giới là trên 27%. Đến độ tuổi hơn 80, càng ít phụ nữ có hưu trí (khoảng 7%), còn nam giới duy trì quanh mức 26%.
Do vậy, ông Đạt ủng hộ chính sách mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội như mở rộng nhóm tham gia, giảm độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, người đóng chưa đủ năm bảo hiểm được hưởng hưu trí xã hội, thêm chế độ thai sản tự nguyện.
Về lâu dài, ông khuyến nghị xây dựng chế độ trợ cấp gia đình tăng hỗ trợ lao động khi thất nghiệp, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng có hỗ trợ từ Chính phủ, Bảo hiểm xã hội.
Nếu có hỗ trợ trẻ, ví dụ từ 0 - 6 tuổi kèm tăng chính sách hỗ trợ khi thất nghiệp, người lao động sẽ yên tâm ở lại hệ thống an sinh.
Rút bảo hiểm xã hội một lần đang nóng hơn bao giờ hết, nhất là năm 2023 số lao động bị mất việc, giảm việc gia tăng. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chưa biết rõ quyền lợi của người lao động với bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.