Chiều 28-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Cần cơ chế, chính sách rõ để thu hút, trọng dụng nhân tài
Trong phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh, dự thảo luật đề xuất nhiều cơ chế, chính sách cho hoạt động khoa học và công nghệ, thu hút nhân lực chất lượng cao, chính sách cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng, an ninh...
Đại biểu Khuất Việt Dũng (Hà Nội) cho rằng đây là những đề xuất mạnh dạn và cần thiết từ giao nhiệm vụ nghiên cứu đến sản xuất, tự chủ trong phát triển sản phẩm, giao thẩm quyền khoa học, thu hút trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, cơ chế giao nhiệm vụ chỉ định thầu...
Tuy nhiên ông đề nghị cần có cơ chế, chính sách rõ hơn, nhất là trong hoạt động khoa học và công nghệ, thu hút và trọng dụng nhân tài.
Bởi đây là "chìa khóa tạo nên đột phá" cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhất là trong thời đại bùng nổ của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo Al.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) khẳng định cần có cơ chế tuyển thẳng và chính sách ưu đãi cao hơn cho học sinh giỏi từ THPT, sinh viên theo học các ngành nghề đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, mũi nhọn.
Bà chỉ rõ trong điều kiện bình thường, cùng một vị trí việc làm nhưng chế độ chính sách cho người lao động, hợp đồng trong doanh nghiệp quốc phòng có sự khác nhau với viên chức quốc phòng và có sự chênh lệch so với quân nhân chuyên nghiệp.
"Đây là trăn trở của nhiều công nhân lao động trong doanh nghiệp quốc phòng. Vì vậy, cần thiết kế chính sách tiền lương, thưởng, các loại bảo hiểm, phụ cấp đặc thù để giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tay nghề cao", bà Xuân nêu.
Giải trình nội dung này, đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - thừa nhận còn có nhiều khó khăn trong công tác này.
Ông nêu Chính phủ đã phải ban hành nghị định riêng cho Viettel thì tập đoàn mới thu hút được nguồn nhân lực, mới có được con người và có được Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội như hiện nay.
"Cho nên phải có chính sách lương, thưởng, nhà ở, thẩm quyền giao nhiệm vụ khoa học, khen thưởng, ghi nhận, phong tặng các chức danh khoa học, các chính sách hậu phương - quân đội", ông Giang nói.
Động viên công nghiệp ngay trong thời bình
Về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh với động viên công nghiệp và một số chính sách cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh đối tượng động viên công nghiệp là các doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang, còn gọi là công nghiệp dân sinh - ngành công nghiệp chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Để có kiểm nghiệm, theo ông Giang, cần chuẩn bị trước từ thời bình, thực hiện động viên công nghiệp ngay trong thời bình để khi xảy ra tình huống có thể triển khai thực hiện được luôn. Ông nêu rõ thực tế hiện nay đang có hệ thống cơ sở động viên công nghiệp.
Ngoài việc bảo đảm để sản xuất trong công nghiệp, cơ sở động viên công nghiệp có thể sửa chữa, sản xuất những sản phẩm mà công nghiệp quốc phòng chuyển giao, độ mật không cao, lắp lẫn hoặc đơn lẻ, không thành một sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh qua tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, nhất là từ các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang cho thấy rõ sự cần thiết phải có các quy định, các chính sách đối với động viên công nghiệp để chuẩn bị và thực hiện ngay từ thời bình.
Do đó, dự thảo luật cũng đề ra chính sách mở rộng đối tượng, phạm vi, quy định điều kiện, phương thức, cơ chế để động viên, quy định việc tham gia là trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp dân sinh đối với nhiệm vụ quốc phòng...
Về chính sách nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay hiện ngân sách nhà nước là chủ đạo.
Trên cơ sở phát huy nguồn ngân sách, dự thảo luật có nêu ra nhiều nguồn vốn để huy động tất cả sức người, sức của cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.