Khi trưng cầu ý kiến rộng rãi về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cho đối tượng học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT từng đưa ra hai phương án.
2 phương án vào "chung kết"?
Phương án 1: lựa chọn 3 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án 2: lựa chọn 4 + 2, thí sinh thi bắt buộc môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Kết quả được Bộ GD-ĐT tập hợp là gần 74% chọn phương án 1 (thi ba môn bắt buộc). Theo nhận định của cán bộ, giáo viên tham gia lấy ý kiến thì phương thức 4+2 có ưu điểm là có nhiều môn học bắt buộc phải thi, tăng động lực học tập cho học sinh.
Nhưng nhược điểm là kỳ thi sẽ cồng kềnh (thêm số buổi thi, môn thi, tăng chi phí, nhân lực cho kỳ thi), học sinh chịu nhiều áp lực. Phương án này cũng ít tính mềm dẻo do cơ hội lựa chọn của học sinh thấp, không đúng tinh thần dạy học phân hóa ở cấp THPT.
Phương án 3+2 bớt cồng kềnh, áp lực. Nhưng nhiều ý kiến băn khoăn khi có bốn môn học bắt buộc nhưng lại chỉ có ba môn thi bắt buộc, môn lịch sử cuối cùng vẫn bị loại ra.
5 địa phương đề xuất phương án khác
Trong quá trình trưng cầu ý kiến có 18.000 cán bộ giáo viên ở năm địa phương là TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang đề xuất một phương án khác, ngoài các phương án Bộ GD-ĐT đưa ra. Đó là thi bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc là ngữ văn, toán và hai môn lựa chọn (2+2).
Bộ có một đợt trưng cầu ý kiến bổ sung về phương án này và kết quả con số ủng hộ cao. Nó trở thành phương án duy nhất được trình lên Chính phủ phê duyệt.
Ưu điểm của phương án 2+2 được các ý kiến phân tích cho rằng đảm bảo sự gọn nhẹ, ít tốn kém, giảm áp lực, tăng tính mềm dẻo khi học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Phương án này cũng cân bằng giữa hai nhóm môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Như vậy không chỉ lịch sử mà môn ngoại ngữ vốn được đưa vào nhóm môn thi bắt buộc từ hơn một thập kỷ qua cũng được chuyển sang nhóm lựa chọn.
Ủng hộ và băn khoăn
Chia sẻ quan điểm về phương án thi, bà Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết đa số giáo viên của trường đều ủng hộ phương án 3+2 và sau này là 2+2 vì thầy trò được giảm áp lực, kỳ thi cũng gọn nhẹ.
Nhưng bà Quỳnh băn khoăn khi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử nằm trong nhóm môn học bắt buộc nhưng hai trong số bốn môn này lại không phải môn thi bắt buộc.
Theo bà Quỳnh, điều cốt yếu của kỳ thi phù hợp với chương trình mới là tập trung đổi mới cách ra đề thi. Vì với cách thi như các năm qua, tình trạng học sinh chịu áp lực, học để đối phó với thi cử sẽ vẫn tồn tại.
Thầy giáo Nguyễn Thành Công - giáo viên trường THPT chuyên Trường đại học Sư phạm Hà Nội - ủng hộ phương án 2+2 vì cho rằng khi môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, nó sẽ là khung xương sống cho việc lựa chọn các tổ hợp xét tuyển đại học.
Ví dụ như toán + 2 môn lựa chọn hay văn + 2 môn lựa chọn. Tính lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp sẽ mềm dẻo hơn.
Ông Công cũng nhận xét về giải pháp mang tính kỹ thuật: Trong bốn môn học bắt buộc, nếu chỉ chọn toán, ngữ văn, ngoại ngữ và loại lịch sử khỏi nhóm môn thi bắt buộc thì sẽ tạo dư luận trái chiều không đáng có. Nếu chỉ chọn ngữ văn, toán, đưa cả ngoại ngữ, lịch sử ra "lựa chọn" sẽ giảm bớt áp lực dư luận.
Một luồng dư luận khác lo ngại khi lịch sử, ngoại ngữ nằm trong nhóm "lựa chọn" chất lượng các môn học này sẽ sụt giảm. Trên thực tế khi môn lịch sử nằm trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi THPT quốc gia trước đây, kết quả thi của môn này có sự cải thiện đáng kể qua nhiều năm.
Từ chỗ mưa điểm dưới trung bình, đứng đội sổ trong kết quả thi các môn tốt nghiệp, môn lịch sử nhích dần lên. Trong khi đó môn ngoại ngữ là môn thi luôn có phổ điểm lạ, do khoảng cách về trình độ ngoại ngữ ở vùng thuận lợi và khó khăn quá khác biệt.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc thì khoảng cách trình độ này sẽ càng bị đẩy rất xa.
Ủng hộ thi gọn nhẹ
GS Đỗ Đức Thái (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng việc chọn phương án thi tốt nghiệp THPT ở mỗi quốc gia khác nhau. Ông Thái ủng hộ phương thức thi gọn nhẹ nhưng nhấn mạnh việc quan trọng hơn trong đổi mới thi tốt nghiệp THPT là xây dựng dạng thức của các môn thi.
Trước khi làm việc này, theo ông Thái, cần làm rõ vai trò, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong mối liên hệ với công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Cần nghiên cứu chuẩn hóa chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Xây dựng bộ chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh và bộ công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh ở mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thay đổi tư duy thi gì học nấy
Ông Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ủng hộ phương án chỉ có hai môn thi bắt buộc vì cho rằng quá trình đổi mới thi cần phải thay đổi bằng được tư duy thi gì học nấy.
Và thực tế cũng đã cho thấy không phải cứ thi lịch sử thì học sinh mới yêu nước. Mà ngược lại khi học sinh thoát khỏi áp lực "thi lịch sử" phải ghi nhớ số liệu, sự kiện một cách ép buộc, có thể các em cũng thoát khỏi nỗi sợ "lịch sử" và tìm hiểu, khám phá yêu thích nó cùng với việc đổi mới cách dạy, học, trải nghiệm ở môn học này.
Đây là phương án thi tốt nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vào phiên họp ngày 14-11 của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.