vĐồng tin tức tài chính 365

Bỏ sổ hộ khẩu: ‘Chính thức khai tử một di sản của thời kỳ bao cấp’

2021-07-03 08:25

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1-7. Luật này có rất nhiều điểm mới và tiến bộ về công tác quản lý cư trú.

Hai điểm nhấn trong những tiến bộ ấy gồm: Bỏ sổ hộ khẩu giấy và bỏ điều kiện đăng ký thường trú riêng tại các thành phố trực thuộc trung ương.

Cụ thể, khi đăng ký thường trú hoặc tạm trú, công dân không còn được cấp sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú bằng giấy nữa, thay vào đó thông tin sẽ được cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu cư trú.

Đặc biệt, điều kiện đăng ký thường trú tại 63 tỉnh/thành trên cả nước là như nhau, không còn phân biệt giữa thành phố trực thuộc trung ương và các tỉnh còn lại.

Bỏ sổ hộ khẩu: ‘Chính thức khai tử một di sản của thời kỳ bao cấp’ - ảnh 1
Kể từ 1-7, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú sẽ không còn được cấp mới. Ảnh: TUYẾN PHAN

“Khai tử di sản của thời kỳ bao cấp”

Trả lời tại cuộc phỏng vấn trực tuyến trên VnExpress, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), cho rằng trước đây rất khó khăn để người dân nhập khẩu, đặc biệt là vào các thành phố lớn.

Tuy nhiên, thời điểm Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực đã khai tử một di sản của một thời kỳ bao cấp, mở ra một kỷ nguyên mới trong phương thức quản lý xã hội.

“Sổ hộ khẩu đã gắn bó với chúng ta rất lâu, trong một thời gian dài lịch sử. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi điều này, chuyển sang dùng nền tảng dữ liệu số để quản lý, phục vụ giao dịch người dân” – Thiếu tướng nói.

Cũng theo Cục trưởng C06, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy cắt giảm đi rất nhiều chi phí cho người dân. Ví dụ bấy lâu nay khi làm thủ tục hành chính hoặc các giao dịch, người dân phải photo, công chứng, xuất trình nhiều giấy tờ liên quan. Khi chuyển sang sử dụng dữ liệu thẻ căn cước công dân, mã số định danh, những việc này không còn cần thiết nữa.

Từ việc cắt giảm các giấy tờ như đã nêu, việc đi lại của người dân sẽ được giảm đi rất nhiều khâu trung gian, tiết kiệm thời gian, chi phí, thúc đẩy kinh tế phát triển.

“Mức độ giảm chi phí ra sao tùy thuộc ngành nghề, lĩnh vực. Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, việc sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư sẽ đem lại lợi ích về kinh tế gần 5.000 tỉ đồng” – Thiếu tướng Nguyên cho hay.

Cục trưởng C06 nhấn mạnh lợi ích của Luật cư trú năm 2020 mang lại trước hết là đảm bảo quyền bình đẳng của người dân các địa phương trong đăng ký cư trú. Luật cũng cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký cư trú ở nơi họ sinh sống hợp pháp.

Dù vậy, để việc giao dịch của người dân thuận lợi thì không chỉ một nền tảng là thực hiện được, cần sự đồng bộ của các cơ sở từ các bộ ban ngành.

Bỏ sổ hộ khẩu: ‘Chính thức khai tử một di sản của thời kỳ bao cấp’ - ảnh 2
Dữ liệu cư trú của công dân sẽ được cập nhật trên hệ thống điện tử. Ảnh: TUYẾN PHAN

Không còn sổ hộ khẩu: Xin học, xin việc ra sao?

Cũng tại cuộc phỏng vấn trực tuyến, nhiều ý kiến băn khoăn khi không còn sổ hộ khẩu giấy thì đi xin việc, xin học cho con... phải làm thế nào để hoàn thiện hồ sơ? Nếu các cơ quan chức năng, doanh nghiệp vẫn yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy thì sao?

Trả lời vấn đề này, Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách Hành chính Tư pháp, Bộ Công an, cho biết đã có quy định để giải quyết những tình huống nêu trên.

Thực tế, có những địa phương quy định điều kiện là gia đình có hộ khẩu tại đó thì mới được vào trường công lập. Với quy định mới, khi người dân đủ điều kiện nhập khẩu, cơ quan chức năng sẽ không cấp sổ hộ khẩu nữa mà cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu điện tử và cấp giấy thông báo kết quả.

Do đó, người dân có thể yêu cầu nhà trường khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu nhà trường chưa đảm bảo việc khai thác thì người dân có thể trình giấy thông báo kết quả được cấp như đã nêu ở trên.

Một số ý kiến khác được nêu ra như: Bỏ sổ hộ khẩu rồi thì làm thế nào để xác định mối quan hệ giữa các thành viên trong hộ; làm sao để kiểm tra nhân khẩu thực tế trong hộ của mình, tránh tình trạng sai sót hoặc sử dụng sổ hộ khẩu bất hợp pháp trong các thủ tục tín dụng…?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng nhấn mạnh việc bỏ sổ hộ khẩu giấy về bản chất là thay đổi phương thức quản lý cư trú. Nếu trước đây có sổ hộ khẩu thì trong sổ thể hiện quan hệ từng người với chủ hộ, từ đó xác định quan hệ với người khác trong sổ hộ khẩu. Còn bây giờ, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu cư trú vẫn có quan hệ thành viên với chủ hộ và các thành viên trong gia đình, nhưng thể hiện bằng dữ liệu điện tử.

Thông tin thêm, Thiếu tướng Đặng Công Nguyên nói trước đây chúng ta có thói quen mở sổ hộ khẩu ra xem có bao nhêu người trong sổ và ai là chủ hộ. Tới đây, tuy không có sổ hộ khẩu giấy nhưng trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư vẫn lưu trữ tất cả thông tin về hộ khẩu người dân.

“Đây là dữ liệu điện tử nên không ai có thể mang ra cầm cố, tiến hành các giao dịch phi pháp. Người dân rất yên tâm là không phải kiểm soát xem có bao nhiêu thành viên trong gia đình mình” – vị này khẳng định.

Sổ hộ khẩu còn hiệu lực đến hết năm 2022

Theo Luật Cư trú năm 2020, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp trước ngày 1-7 vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Tuy nhiên,  khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. 


Xem thêm: lmth.805799-pac-oab-yk-ioht-auc-nas-id-tom-ut-iahk-cuht-hnihc-uahk-oh-os-ob/cod-nab/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bỏ sổ hộ khẩu: ‘Chính thức khai tử một di sản của thời kỳ bao cấp’”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools