Tăng tiền cọc, phạt tiền hay xử lý hình sự?
Đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) dẫn chứng một số vụ việc bỏ cọc đấu giá gây dư luận không tốt thời gian qua, như vụ Tân Hoàng Minh ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đấu giá biển số xe hay đấu giá khai thác mỏ cát ở Hà Nội. Để chấm dứt tình trạng này, ông Hòa cho rằng cần có các biện pháp như nâng mức đặt cọc cao hơn so với quy định hiện hành, áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính hoặc không cho tham gia đấu giá lần tiếp theo.
ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) gợi ý có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung quy định cụ thể theo hướng xử lý hình sự đối với hành vi bỏ cọc đấu giá và có dấu hiệu thao túng, gây rối trật tự, ảnh hưởng xấu đến an ninh kinh tế. "Bộ luật Hình sự cần bổ sung các hành vi tương ứng trong hoạt động đấu giá tài sản cho phù hợp, tránh tình trạng thổi giá, phá giá, gây hệ lụy lớn như thời gian vừa qua", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) lại cho rằng cần cân nhắc việc áp dụng chế tài đối với hành vi bỏ cọc đấu giá. Bởi lẽ, đấu giá là quan hệ dân sự, "trong mọi trường hợp cần tôn trọng và bảo vệ quyền được từ bỏ tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá". Vị ĐB đề xuất điều chỉnh quy định về mức tiền đặt trước. Ví dụ, khi nào bước giá được trả cao gấp 2 lần giá khởi điểm thì tiền đặt trước sẽ điều chỉnh cao hơn và lặp lại mỗi khi mức giá trả cao gấp 2 lần tiếp theo. "Tuy nhiên, quy định này chỉ nên áp dụng với tài sản nhà nước đưa ra đấu giá, còn các loại tài sản khác thì không áp dụng", ông Thịnh lưu ý.
ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) nhận định mức tiền đặt trước từ 5 - 20% như hiện hành là phù hợp. Nếu nâng lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá tài sản. Bà Dung đề xuất sau thời gian nhất định mà người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài việc mất tiền đặt trước còn bị phạt thêm một số tiền.
Ngăn chặn "quân xanh, quân đỏ"
ĐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đề cập tới tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay "đấu giá hộ" do không đủ nguồn lực tài chính; hoặc trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trệ… Theo ông Khải, lỗ hổng pháp lý lớn nhất chính là xác định năng lực tài chính "vốn thực có" của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Vì thế, vị ĐB kiến nghị bổ sung quy định nghiêm cấm người tham gia đấu giá tài sản không đủ nguồn lực tài chính hay sử dụng nguồn vốn không minh bạch (căn cứ vào công việc, nguồn vốn, lịch sử tham gia đấu giá, đóng thuế…) để tham gia đấu giá, hoặc liên kết nhận ủy quyền tham gia đấu giá, trả giá cho bên thứ hai, thứ ba. Biện pháp này sẽ khắc phục tình trạng nhũng nhiễu trong đấu giá quyền sử dụng đất bằng nguồn vốn thiếu minh bạch, trả giá "cao ngất" rồi bỏ cọc, bóp méo thị trường hoặc giành giật mua rồi "để đấy" chờ thời cơ sang nhượng.
ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) cho rằng nhiều người sẵn sàng đặt giá cao nhằm mục đích nâng cao mặt bằng về giá, nhất là trong đấu giá bất động sản. "Khi khu vực đó đấu giá có kết quả rồi mà cơ quan định giá đưa ra định giá thấp hơn thì sau này nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm rất lớn; dẫn đến chuyện rất lúng túng khi đưa ra thẩm định giá", ông Ấn nêu.
Ông Ấn đề nghị Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn để thu thập, thống kê thông tin của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá nhằm phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý vì tình trạng thông đồng, dìm giá, "quân xanh, quân đỏ" ngày càng tinh vi, phức tạp, rất khó phát hiện.
Giải trình ý kiến của ĐB, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu các biện pháp xử lý với người bỏ cọc đấu giá, bao gồm cả tính toán xử lý vi phạm về mặt tài chính. Tuy vậy, để đảm bảo tính khả thi, ngoài tính chặt chẽ đến từ quy định pháp luật thì cũng cần có các yếu tố khác như đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề và trách nhiệm của người quản lý… trong đấu giá tài sản.
Thông qua việc thành lập lực lượng an ninh, trật tự cơ sở
Chiều 28.11, với 78,14% đại biểu tán thành, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở chính thức được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2024. Với luật này, một lực lượng có tên gọi là "lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở" được ra đời, trên cơ sở hợp nhất 3 lực lượng đang tồn tại, gồm bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng.
Đây là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, được bố trí thành các tổ bảo vệ ANTT, mỗi tổ phụ trách địa bàn một hoặc một số thôn, tổ dân phố. Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có nhiệm vụ hỗ trợ công an cấp xã nắm tình hình về ANTT trên địa bàn phụ trách; hỗ trợ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động…
Về lâu dài, lực lượng sẽ được tuyển mới. Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác.