Công ty đầu tư Berkshire Hathaway hôm 28/11 thông báo Phó chủ tịch Charlie Munger qua đời vào sáng cùng ngày, tại một bệnh viện ở California (Mỹ).
Cùng với Chủ tịch Warren Buffett, Munger đã thay đổi Berkshire, giúp công ty thành trở thành tập đoàn đa ngành trị giá hàng tỷ USD, với hàng chục công ty con. Giới phân tích đánh giá sự hợp tác giữa Munger và Buffett là một trong những sự kết hợp thành công nhất lịch sử ngành kinh doanh thế giới.
Munger sinh năm 1924. Thời niên thiếu, ông từng làm việc bán thời gian cho cửa hàng tạp hóa của Ernest Buffett - ông nội tỷ phú Warren Buffett. Warren cũng làm việc tại đây, nhưng cả hai chưa từng gặp nhau.
Munger sau đó vào Đại học Michigan. Tuy nhiên, ông bỏ dở để gia nhập Không quân Mỹ khi Thế chiến II nổ ra, được đào tạo thành chuyên gia khí tượng. Khi chiến tranh kết thúc, Munger theo học Đại học luật Harvard và tốt nghiệp.
Ông làm luật sư tại Los Angeles, đồng sáng lập hãng luật hiện có tên Munger, Tolles & Olson. Đến giữa thập niên 60, ông chuyển sang quản lý danh mục đầu tư cổ phiếu và bất động sản. Với công ty đầu tư của mình - Wheeler, Munger & Co, ông gặt hái khá nhiều thành công, khi danh mục tăng vượt thị trường chung giai đoạn 1962-1975.
Theo Alice Schroeder - người viết tiểu sử của Buffett, hai nhà đầu tư gặp nhau trong một sự kiện tại Omaha năm 1959. Sau khi được giới thiệu với nhau, Buffett và Munger nhanh chóng trở nên thân thiết. Họ nói chuyện về nhiều vấn đề, thậm chí gọi điện thoại trò chuyện thêm hàng giờ.
Vợ Munger khi đó - Nancy - đã hỏi chồng: "Sao anh lại quan tâm đến anh ta nhiều như thế?". Munger trả lời: "Em không hiểu đâu. Đó không phải là một người bình thường".
Munger đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Berkshire từ năm 1978. Còn Buffett làm Chủ tịch từ năm 1975.
Munger và Buffett có nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng theo đuổi triết lý về đầu tư giá trị do nhà đầu tư huyền thoại Ben Graham đưa ra. Tức là họ sẽ tìm các công ty có nền tảng tốt, với cổ phiếu bị định giá thấp, để đầu tư dài hạn.
Thi thoảng, Munger và và Buffett gọi các công ty này là "đầu mẩu xì gà", tức không được ưa chuộng nữa, nhưng vẫn còn phần nào giá trị. Nhiều khoản đầu tư dạng này của họ đã cho thấy hiệu quả suốt vài thập kỷ.
Cả hai cũng tránh xa các hãng công nghệ và các lĩnh vực họ không nắm chắc. Điều này giúp họ không sụp đổ khi bong bóng dot com cuối thập niên 90 vỡ vụn.
Munger cùng Buffett giám sát các thương vụ của Berkshire, như mua lại công ty điều hành đường sắt BNSF năm 2010 và hãng tương cà H.J. Heinz Co năm 2013. Munger cũng chính là người gợi ý Buffett đầu tư vào một số công ty ngoài Mỹ, như hãng pin và xe điện Trung Quốc BYD.
Munger cũng giới thiệu Todd Combs cho Buffett. Hiện Combs và Ted Weschler quản lý nhiều khoản đầu tư của Berkshire.
Cả hai còn giống nhau ở điểm không đuổi theo các xu hướng mới. "Cá nhân tôi rất ngờ vực về sự hào hứng quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tôi cho rằng các loại trí tuệ truyền thống vẫn đang làm việc rất tốt", Munger cho biết trong ĐHCĐ Berkshire năm nay.
Dù vậy, Munger và Buffett không hoàn toàn giống nhau.
Munger là thành viên đảng Cộng hòa, trong khi Buffett thuộc đảng Dân chủ. Sở thích cá nhân của họ cũng khác nhau. Munger đam mê kiến trúc, trong khi Buffett còn chẳng biết giấy dán tường phòng ngủ của mình màu gì.
Bên cạnh đó, không như Buffett - mở tài khoản Twitter dù hiếm khi dùng, Munger từ chối tham gia các mạng xã hội. "Đó không phải phong cách của tôi. Tôi không thích quá nhiều thứ diễn ra cùng lúc", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên Reuters.
Dù vậy, ở Berkshire, cả hai không thể tách rời. Họ có thể trình bày nốt ý tưởng của nhau và chưa bao giờ cãi cọ.
Trong ĐHCĐ năm nay, sau khi Buffett bày tỏ sự lạc quan về tương lai kinh tế Mỹ, Munger đã khiến cả hội trường cười lớn khi tiếp lời: "Tôi kém lạc quan hơn Warren một chút. Tôi nghĩ cách tốt nhất để hạnh phúc là kỳ vọng ít thôi".
Người hâm mộ gọi Buffett là "Nhà thông thái vùng Omaha", nhưng Munger cũng được những người theo dõi ông đặt biệt danh là "Nhà thông thái vùng Pasadena", theo tên thị trấn ông sinh ra ở California.
Với người hâm mộ, Munger cũng như một bác sĩ tâm lý. Năm 2009, khi Mỹ trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất 7 thập kỷ, ông đã nỗ lực trấn an mọi người.
"Nếu bạn đợi đến khi nền kinh tế ổn định trở lại mới mua cổ phiếu, lúc đó gần như chắc chắn là quá muộn rồi", ông cho biết tại ĐHCĐ công ty đầu tư Wesco Financial Corp mà Berkshire mua lại năm 2011. Sau sự kiện đó, Kathy Kristof - cây bút tại Los Angeles Times và cũng là một nhà đầu tư vào Wesco nhận xét: "Ông ấy đã cho chúng tôi hy vọng".
Munger nổi tiếng với những nhận xét ngắn, hóm hỉnh về đầu tư, nền kinh tế và con người. Ông từng ví các lãnh đạo ngân hàng với "những kẻ nghiện heroin mất kiểm soát" hay gọi tiền số Bitcoin là "thuốc diệt chuột". Trên CNBC, ông từng nói: "Vàng là thứ tuyệt vời để đính vào trang phục nếu anh đến từ một gia đình ở Vienna năm 1939. Nhưng tôi cho rằng người hiện đại không nên mua vàng. Họ nên đầu tư vào các doanh nghiệp tốt".
Berkshire đã giúp cả ông và Buffett trở thành tỷ phú. Nhiều cổ đông đời đầu nhờ đó cũng giàu có. Dù vậy, trong một cuộc phỏng vấn năm 2010, Munger cho rằng: "Tôi nghĩ rằng một phần lý do khiến Berkshire Hathaway được yêu mến là vì chúng tôi giống những người đã tìm ra được mẹo làm ăn. Không có sự tài giỏi nào ở đây cả. Chỉ cần tránh mắc sai lầm ngớ ngẩn thôi".
Những điều Munger quan sát được về thế giới cũng được ghi lại trong cuốn sách: "Sự hóm hỉnh và trí tuệ của Charles T.Munger". "Tôi được nuôi dạy bởi những người luôn cho rằng mình cần làm việc hợp lý nhất có thể. Quan điểm đó đã giúp tôi rất nhiều", ông cho biết trong ĐHCĐ Daily Journal năm 2020.
Theo Forbes, Munger có tài sản 2,7 tỷ USD. Sinh thời, ông sống giản dị và thường tự lái xe. Tuy nhiên, vài năm cuối đời, ông phải sử dụng xe lăn.
Munger cũng là tỷ phú hào phóng. Năm 2013, ông đã quyên góp hơn 100 triệu USD năm 2013 cho trường cũ là Đại học Michigan.
Dù vậy, cuộc sống của Munger không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Năm 29 tuổi, cuộc hôn nhân đầu tiên của ông chấm dứt. Người vợ được chia phần lớn tài sản, kể cả nhà cửa. Bạn bè của Munger cho biết ông đã phải sống rất nghèo khổ sau đó.
Munger lao đầu vào công việc để vượt qua khó khăn tài chính. Nhưng chỉ một năm sau, con trai ông được chẩn đoán mắc ung thư máu. Munger phải gánh thêm khoản viện phí khổng lồ. Cái chết của con trai sau đó khiến ông suy sụp.
Thử thách với Munger vẫn chưa dừng lại. Năm 52 tuổi, ông bị đục thủy tinh thể. Nhưng ca phẫu thuật thất bại khiến một bên mắt của ông không còn nhìn thấy. Từ đó, Munger học thêm chữ nổi Braille để thích ứng với cuộc sống mới.
Không chỉ là tấm gương cho các nhà đầu tư nhỏ, Munger còn là người định hướng cho Buffett. Dù cả hai cùng theo đuổi triết lý đầu tư giá trị, Buffett cho biết chính Munger đã thúc giục ông tập trung vào các công ty tuyệt vời với giá hợp lý, hơn là các công ty bình thường nhưng giá rẻ.
"Charlie đã chỉ cho tôi hướng đi, rằng đừng ham giá hời, cũng như Ben Graham đã dạy tôi vậy. Đó là sức mạnh trí tuệ của Charlie. Ông ấy đã mở rộng tầm mắt cho tôi", tỷ phú 93 tuổi nói.
Hà Thu (theo Reuters)