Giải pháp toàn cầu
Dự án CropWatch được phát triển lần đầu tiên vào năm 1998 bởi một nhóm từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS). Ban đầu nó được thiết kế để sử dụng trong nước, nhưng giờ đây CropWatch đã trở thành một sáng kiến toàn cầu và được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể, hệ thống này phân tích dữ liệu từ vệ tinh và trạm mặt đất để cung cấp số liệu sát hơn về năng suất cây trồng và những thay đổi môi trường, đồng thời cung cấp phân tích xu hướng nông nghiệp, tổng hợp thông tin trong năm về xu hướng nông nghiệp toàn cầu.
Trước đó, hầu hết các quốc gia đều dựa vào hai hệ thống giám sát nông nghiệp từ xa do Mỹ và Liên minh Châu Âu điều hành để dự đoán sự tăng giảm của giá lương thực trên thị trường toàn cầu.
Trong một tuyên bố năm 2012, CAS cho biết sự phát triển của CropWatch cho phép Trung Quốc “tránh bị che mắt bởi thông tin dự báo nước ngoài đối với các quyết định của thị trường”.
Giờ đây, nhóm phát triển CropWatch đang tìm cách chuyển giao công nghệ này cho các quốc gia đang phát triển.
Vào tháng 8, dự án CropWatch đã tổ chức một hội thảo tại Mauritius cho hàng chục quốc gia đang phát triển về việc triển khai và tiến độ của hệ thống, với sự hợp tác của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).
“An ninh lương thực đòi hỏi sự minh bạch thông tin”, Wu Bingfang, người đứng đầu nhóm CropWatch và giáo sư tại Viện Viễn thám và Kỹ thuật số Trái đất CAS, chia sẻ.
Ông Wu tin rằng sự biến động của giá lương thực phần lớn là do “đầu cơ thị trường” và việc thiếu thông tin sẽ ảnh hưởng đến các quyết định trong quy hoạch nông nghiệp cũng như quyết định xuất nhập khẩu.
Hầu hết các nước không có công nghệ hoặc nguồn lực để thiết lập hệ thống giám sát năng suất cây trồng toàn cầu của riêng mình.
Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) cho biết: “Ước tính chính xác về sản lượng nông nghiệp là một thách thức ngay cả đối với các quốc gia có trình độ phát triển cao”.
Giám sát nông nghiệp quy mô lớn
Người phát ngôn của WFP cho biết, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với những thách thức khác nhau liên quan đến việc thiếu năng lực phân tích và ước tính chính xác sản lượng của mình cũng như thiếu nguồn lực để thực hiện các phân tích. Linda See, nhà nghiên cứu của Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế, nói rằng việc thiếu dữ liệu và nguồn lực để thu thập và phân tích cũng như chuyên môn hoặc năng lực xử lý dữ liệu là những thách thức lớn đối với giám sát nông nghiệp.
Hệ thống CropWatch dựa trên công nghệ đám mây tích hợp nhiều chỉ số ở quy mô toàn cầu, quốc gia và khu vực – bao gồm các chỉ số như lượng mưa, diện tích cây trồng, cường độ sử dụng đất, nhiệt độ không khí,...
Hệ thống này sử dụng vệ tinh giám sát mặt đất để phân tích năng lực sản xuất và điều kiện nông nghiệp của các quốc gia chiếm hơn 80% sản lượng ngũ cốc chủ yếu của thế giới.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), việc giám sát cây trồng mà hệ thống này cung cấp “làm giảm biến động của thị trường thực phẩm” và có thể tùy chỉnh để cho phép các quốc gia tạo ra các chỉ số dựa trên nhu cầu của họ.
Vào năm 2020, CropWatch đã công bố hợp tác với UNCTAD để “tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động giám sát nông nghiệp của 14 quốc gia đang phát triển”. Điều này bao gồm việc cung cấp đào tạo để sử dụng hệ thống cũng như tùy chỉnh hệ thống theo yêu cầu cụ thể của từng quốc gia.
Shamika Sirimanne, giám đốc công nghệ và hậu cần của UNCTAD, cho biết: “Các công nghệ xuất hiện ở các nước đang phát triển phù hợp hơn rất nhiều với điều kiện địa phương và nguồn lực hạn chế của các nước đang phát triển khác”.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, việc không thể dự báo sự thay đổi về giá lương thực khiến các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc ứng phó với những thay đổi về nguồn cung và khiến các nhà hoạch định chính sách khó hành động.
Hệ thống dựa trên đám mây của CropWatch cho phép các bên liên quan truy cập vào nền tảng “mà không cần đầu tư thêm vào phần cứng và phần mềm”, điều mà FAO cho biết là những hạn chế chính trong việc xây dựng năng lực giám sát cây trồng ở các quốc gia đang phát triển. FAO nói thêm rằng việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin là điều cần thiết để xoa dịu những suy đoán trên thị trường thực phẩm thế giới.
Một trong những ví dụ là Mauritius, quốc gia nhập khẩu tới 75% thực phẩm. Đây là điểm yếu khiến nước này dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, lượng lương thực sản xuất trong nước cũng dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lốc xoáy và lũ lụt.
Mauritius đã triển khai CropWatch để tăng cường cảnh báo sớm về thiên tai và tác động đến cách thức giao dịch dựa trên việc giám sát sản lượng và nguồn cung toàn cầu.
Micheline Seenevassen Pillay, giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu và Khuyến nông của nước này, nói với UNCTAD: “Hệ thống CropWatch sẽ giảm thiểu biến động giá do nguồn cung thất thường trên thị trường và giúp giảm hóa đơn nhập khẩu thực phẩm”.
Tại Mozambique, trước khi CropWatch được triển khai, quốc gia này đã dựa vào các bên khác để có được thông tin giám sát. Vì vậy, CropWatch đã được tùy chỉnh để giúp giải quyết các nhu cầu cụ thể của Mozambique. Giờ đây, đất nước này có khả năng xuất bản các báo cáo hàng tháng về tình trạng nông nghiệp trong mùa mưa
Quan hệ đối tác với UNCTAD còn bao gồm các quốc gia khác ở Châu Phi như Algeria, Nigeria, Ghana và Kenya, cũng như các đối tác ở Châu Á như Thái Lan và Lào.
Theo FAO, CropWatch đã được các bên liên quan tại hơn 160 quốc gia tiếp cận và được các tổ chức toàn cầu công nhận là một công cụ có giá trị để đạt được an ninh lương thực. CropWatch là đối tác của Sáng kiến Giám sát Nông nghiệp Toàn cầu của Nhóm Quan sát Trái đất (GEOGLAM), được Nhóm 20 Bộ trưởng nông nghiệp ủy quyền vào năm 2011.
Tham khảo SCMP