Xu thế tất yếu của phát triển bền vững
Sáng 30/11, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức "Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023" với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia "Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam".
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phát triển không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, mà còn phải đảm bảo không gây tổn hại đến nhu cầu của các thế hệ tương lai.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho rằng, phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách. Đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách.
"Chúng ta cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới "không để ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình phát triển này", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững.
Để cụ thể hóa chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh kể từ năm 2012, có thể thấy rằng, nhận thức của người dân, của cộng đồng và toàn xã hội về ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được cải thiện rõ rệt thông qua các bước thay đổi hành vi sản xuất và kinh doanh bền vững, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh doanh tuần hoàn, an toàn, văn minh và thân thiện với môi trường.
Theo nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng đang gặp phải bài toán nan giải về tính bao trùm của chuyển dịch xanh; trong đó, tính bao trùm của chuyển dịch xanh ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.
Về tính bao trùm ở cấp độ địa phương, tính đến năm 2021, GRDP bình quân đầu người của các vùng kinh tế trong cả nước có sự phát triển không đồng đều. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng ở ngưỡng cao, lần lượt đạt 142,23 triệu đồng và 110,43 triệu đồng; trong khi khu vực Tây Nguyên chỉ đạt 53,09 triệu đồng và Trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 56,13 triệu đồng.
Kéo theo đó, năng suất lao động cũng có sự phân cực mạnh giữa các địa phương khi một số tỉnh, thành có năng suất lao động ở mức rất cao. Điều này cho thấy, các địa phương cần tiếp tục tích cực, nỗ lực nhiều hơn nữa trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Chọn đúng thì đi nhanh
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, PGS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) nhấn mạnh, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nền tảng cho những tiến bộ kỳ diệu, cho mọi sáng kiến khác nhau, phong phú. Một đất nước phát triển bền vững phải là một đất nước đi theo tư duy chiến lược, tầm nhìn đột phá để có nền tảng tăng trưởng cốt yếu.
"Chọn đúng đi nhanh, chọn sai thì đi ngang hoặc đi xuống. Tư duy rất quan trọng đặc biệt nắm bắt động lực xanh là xu hướng toàn cầu", ông Khương nhấn mạnh.
GS Vũ Minh Khương cho biết, về năng lượng xanh, Trung Quốc là nước đi đầu thế giới và họ coi năng lượng xanh là chiến lược. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và chúng ta cũng phải coi năng lượng xanh, sạch, chuyển dịch nền kinh tế là hàng đầu.
PGS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore)
Về tiềm năng, ông Khương cho rằng năng lượng xanh như điện gió, mặt trời Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đơn cử như Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh phía Nam. Đất nước trải dài với hình chữ S, 3/4 giáp biển, điện gió ngoài khơi trù phú, năm 2030, mục tiêu của Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi lên đến 6 GW với số vốn kêu gọi đầu tư hàng chục tỷ USD đầu tư vào đây.
"Vừa phát triển điện tái tạo, vừa xây dựng các trạm lưu trữ là điều kiện lý tưởng cho Việt Nam bởi trung tâm lưu trữ pin trên thế giới hiện nay có mức giá rẻ đi trông thấy và chúng ta kỳ vọng vào điều này. Chúng ta phát triển rộng khắp các cột điện gió ven biển, xa bờ, khi ấy chúng ta có cơ hội kiểm soát những vùng biển, thềm lục địa của mình, an ninh năng lượng sẽ kết hợp an ninh quốc gia, phát triển kinh tế biển", ông Khương nhấn mạnh.
Về xu thế phát triển năng lượng xanh của thế giới, GS Khương cho rằng, nghiên cứu cho thấy 83% đầu tư mới vào ngành điện là năng lượng tái tạo, tiền đổ vào điện chủ yếu là năng lượng tái tạo. Vì vậy, nhận thức được tư duy của thế giới sẽ giúp Việt Nam đi đúng, đi trúng và đi nhanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.55454024103113202-gnud-nohc-iahp-hnahn-id-noum-gnuv-neb-neirt-tahp/et-hnik/nv.vtv