Đó là góc nhìn của giáo sư Hayo Reinders - chuyên gia giảng dạy TESOL và hiện là giám đốc chương trình tiến sĩ thuộc Đại học Anaheim (Mỹ) - trong hội thảo về giảng dạy tiếng Anh được tổ chức tại Trường đại học Quốc tế Sài Gòn sáng 30-11.
Theo giáo sư Hayo Reinders, một người học tiếng Anh sẽ cần biết rốt cuộc mình học tiếng Anh để làm gì và sẽ có thêm những lợi ích gì từ việc học tiếng Anh. Những động lực học tiếng Anh cần được làm rõ từ sớm.
Ông cho rằng ở các nước không nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, một số học sinh thường xem học tiếng Anh là để vượt qua các bài kiểm tra hay kỳ thi.
Tuy nhiên, kỳ thi không phải là một động lực học tiếng Anh đúng nghĩa, bởi nếu kỳ thi là động lực, các em vượt qua kỳ thi xem như là hoàn thành chuyện học. Các em có thể bỏ quên việc sử dụng tiếng Anh thực tế.
"Nếu không tìm được động lực, dù học sinh có bị giáo viên thúc ép, các em cũng chỉ có thể chịu học trên lớp, không thể tự giác học tiếng Anh suốt thời gian. Học sinh sẽ chủ động học tiếng Anh nếu có động lực", giáo sư Hayo Reinders nói.
Theo giáo sư Hayo Reinders, sau khi học sinh đã xác định động lực học tiếng Anh, giáo viên sẽ có thể hỗ trợ các em phân tích từ động lực ấy, các em sẽ có những mục tiêu nào.
Chẳng hạn, học tiếng Anh để du học là một động lực, thì mục tiêu là kỹ năng nghe, nói, đọc, viết sẽ phải ở những mức độ nào. Từ các mục tiêu trên, giáo viên cũng có thể trợ giúp các bạn định hướng nội dung và tài liệu học tập phù hợp.
Chương trình bó buộc, làm sao giáo viên tự chủ dạy tiếng Anh?
Giáo sư Hayo Reinders chia sẻ đây là một trong những câu hỏi ông thường gặp nhất trong những buổi trò chuyện với các giáo viên giảng dạy tiếng Anh.
Nhiều thầy cô than chương trình đã được ngành giáo dục hoặc nhà trường giao sẵn, buộc họ phải dạy theo những nội dung đó, nên khó tự chủ chuyện giảng dạy của mình.
Giáo sư Hayo Reinders cho rằng nội dung chương trình chỉ là một yếu tố trong giảng dạy, đó là "what" (dạy cái gì). Dù không thay đổi được "what", giáo viên vẫn có thể chủ động và sáng tạo với các yếu tố như "how" (dạy như thế nào), "where" (dạy ở đâu, trên môi trường nào), "when" (dạy khi nào)...
Các yếu tố trên cần được giáo viên linh hoạt lựa chọn để tạo sự mới mẻ và hiệu quả cho bài học.
Nhiều ý kiến không đồng tình khi từ năm 2025, môn ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?