Đề xuất triển khai đồng bộ 5 giải pháp
Metro sẽ góp phần giảm ô nhiễm do khí thải - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Trịnh Xuân Báu - trưởng bộ môn công trình, phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết việc ô nhiễm không khí nói chung và do xe máy nói riêng là vấn đề lớn của các đô thị lớn như TP.HCM.
Vì vậy, ông Báu cho rằng việc giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu các tác động xấu đến sức khỏe người dân đô thị, cũng là giảm thiểu thiệt hại về kinh tế là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc kiểm soát khí thải còn góp phần để người dân hình thành một thói quen tốt là khi tham gia giao thông, xe phải đảm bảo những điều kiện cơ bản về an toàn, kể cả khí thải - đây là vấn đề mà xã hội văn minh nào cũng muốn hướng tới.
Ông Trịnh Xuân Báu đề xuất, để việc kiểm soát khí thải hiệu quả cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có 5 giải pháp quan trọng sau:
1. Hạn chế đăng ký mới xe máy bằng cách xác định mức tăng phù hợp với tốc độ tăng trưởng của TP và hạ tầng giao thông. Khi hết hạn đăng ký xe máy mới trong năm thì phải dừng việc đăng ký. Có thể đấu giá đăng ký mới xe máy nếu số lượng còn ít để tăng thu ngân sách.
2. Kiểm soát xe máy ngoại tỉnh. Bởi vì hiện có 1 triệu xe máy từ ngoại tỉnh đưa vào TP.HCM. Nếu việc di chuyển tạm thời thì không xem xét đến, nhưng với những người vào TP làm việc, sinh viên đi học sẽ làm tăng số lượng xe máy tại TP. Điều này sẽ gia tăng chiếm dụng hạ tầng giao thông, tăng lượng ô nhiễm không khí nên những chủ xe máy ngoại tỉnh phải có trách nhiệm chia sẻ bằng cách đóng phí lưu thông trên địa bàn TP.
3. Áp dụng công cụ kinh tế "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Xe máy là nguồn gây ô nhiễm. Vì vậy, người sử dụng xe máy phải có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng về việc bù đắp những thiệt hại do khí thải xe máy gây ra. Việc xác định lượng khí thải phát sinh và đánh thuế ô nhiễm là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần phải rạch ròi thuế ô nhiễm này với các loại thuế, phí khác đã được đưa vào giá thành của xăng.
4. Khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường. Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại nhiên liệu thân thiện môi trường như xăng E5, CNG, LPG. Vì vậy, cần khuyến khích xe máy nói riêng và các phương tiện giao thông cơ giới đô thị sử dụng các loại nhiên liệu này để giảm phát thải thấp nhất các chất gây ô nhiễm. Để làm được điều này cần có cơ chế, chính sách và các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo việc sử dụng những loại nhiên liệu này ổn định và an toàn.
Khi triển khai kiểm soát khí thải phương tiện, đề nghị áp dụng tiêu chuẩn khí thải EURO 4 đối với các loại phương tiện cơ giới và xây dựng lộ trình áp dụng tiêu chuẩn EURO 5.
5. Nâng cấp các tuyến xe buýt hiện tại, song song đó cần thúc đẩy tiến độ việc đầu tư các tuyến metro, BRT (buýt nhanh). Thông qua giải pháp này sẽ kích thích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi bằng xe máy, như vậy cũng góp phần xả thải. Tuy nhiên, các phương tiện công cộng cần được đảm bảo tính tiếp cận và tính cơ động để thu hút người tham gia giao thông. Cụ thể, nên xây dựng những tuyến buýt điện ngắn có cự ly dưới 3km với giá vé rẻ để tăng tính tiếp cận của những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài 5 giải pháp nêu trên, để có cơ sở đánh giá mức độ xả thải, tình trạng ô nhiễm thì cũng cần tăng cường các trạm quan trắc không khí cố định và di động. Trên cơ sở đó thường xuyên cảnh báo khi mức độ ô nhiễm tăng đột biến hoặc vượt quy chuẩn môi trường.
Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách trọng tâm để phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đáp ứng được mức tăng trưởng kinh tế, xã hội và phương tiện giao thông. Ưu tiên xây dựng các tuyến đường riêng cho phương tiện công cộng, xe đạp và người đi bộ...
"Có thể nói, ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông nói chung và xe máy nói riêng đang ngày một gia tăng. Điều này đã gây tác động xấu đến sức khỏe con người và thiệt hại về kinh tế của xã hội. Việc giảm thiểu ô nhiễm không khí và số lượng xe máy là cần thiết và phù hợp với tiến trình phát triển của TP" - ông Báu nhấn mạnh.
NGỌC ẨN ghi