Phân cấp, phân quyền để xác định trách nhiệm
Sau khi dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng XIII được công bố lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân tuần, tuần qua, nhiều hội nghị lấy ý kiến về dự thảo các văn kiện này đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của báo chí và dư luận.
Trong đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến với nhiều góp ý quan trọng.
Các tờ báo trong tuần đều đưa tin về những hội nghị quan trọng này. Trên tờ Tiền Phong lấy hàng tít là lời nhắn nhủ của Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai: "Thanh niên cần suy nghĩ về thách thức, cơ hội trong 5-15 năm tới".
Còn trên tờ Đại đoàn kết, đã có bài viết "Phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân" cũng là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khi nói về việc lấy ý kiến cho văn kiện đại hội Đảng.
Góp ý cho mục tiêu chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước, theo tờ Thanh niên, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần cấu trúc lại nền kinh tế, phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
Trong khi đó, tờ Đại đoàn kết ghi nhận ý kiến của các đại biểu về công tác xây dựng Đảng cho văn kiện, nhấn mạnh, phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng cũng như thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Trên tờ Tiền phong, GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng việc phân cấp, phân quyền thời gian qua chưa tốt nên dẫn đến việc khi xảy ra hậu quả thì không biết quy trách nhiệm cho ai.
Do vậy, theo ông Đường, lần này dự thảo văn kiện đã nhấn mạnh vào phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa chính phủ với các bộ ngành, giữa Chính phủ, các bộ ngành với chính quyền địa phương để khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ… Ngoài ra cần lưu ý khi cấp trên phân quyền cho cấp dưới rồi thì phải kèm theo điều kiện cả về nguồn lực, nếu không sẽ khó phát huy được hiệu quả.
Kinh tế tư nhân là động lực chính để tăng trưởng GDP
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra các mục tiêu rất rõ ràng: Đến năm 2030 là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao.
Các chuyên gia được nhiều tờ báo phỏng vấn trong tuần khi nói về dự thảo chiến lược này đều có cùng một quan điểm: Kinh tế tư nhân là động lực chính để tăng trưởng GDP bền vững trong các năm tiếp theo.
Tờ Lao động trích lời các chuyên gia, thì trong giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển. Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước.
Trong khi đó, báo Đại biểu nhân dân cho rằng cần phải làm rõ nội hàm bình đẳng để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong việc tiếp cận nguồn lực. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân cũng cần phải tự nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong mấy thập niên tới.
Bên cạnh những mục tiêu về kinh tế xã hội được đặt ra với định lượng rõ ràng, thì tuần qua, các chuyên gia cũng đã tham gia đóng góp ý kiến cả về yếu tố văn hóa được nêu trong báo cáo chính trị. Bởi lẽ, hạn chế yếu kém được chỉ ra trong báo cáo này cho thấy văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Do đó, TS. Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa-xã hội đề nghị Ban soạn thảo cần phải có những giải pháp cụ thể, đột phá để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Báo Đại đoàn kết ghi nhận trong bài viết "Làm cho ý Đảng hợp với lòng Dân".
Cùng quan điểm nhấn mạnh vào tầm quan trọng của văn hóa, nhà báo Nhị Lê chia sẻ trên tờ Đại biểu nhân dân cho rằng văn hóa và kinh tế phải được đặt trong tổng thể hữu cơ và hài hòa. Tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế phải nhịp nhàng với sự phát triển của văn hóa, trực tiếp nhất là văn hóa sinh thái, đạo đức, xã hội. Sự thất bại của văn hóa, của đạo đức xã hội dù sớm hay muộn, nhất định dẫn tới thất bại về chính trị, kinh tế và bất ổn về xã hội.
Việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ kết thúc vào ngày 10/11 tới đây. Đây là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ trong nhân dân. Các ý kiến này đều được lắng nghe, tổng hợp và sẽ chuyển cho Tiểu ban Văn kiện để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.
VTV.vn - Sáng 30/10, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn cho phóng viên báo chí tuyên truyền nội dung Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!