BÍ MẬT "ĐÓN TIẾP" SÀ SA
Do từng làm chuyên gia ở Campuchia, thiếu tá Ngô Thanh Phong thông hiểu phong tục, tập quán người dân nước bạn. Qua tiếp chuyện tại lần gặp trước, anh xác định Sà Sa không phải là người Campuchia mà là người Khơme Nam bộ. Thiếu tá Phong gọi điện báo cáo tình hình cho Trưởng ban chuyên án Hai Bài.
Ngay đêm 16-1-1996, tổ trinh sát ở Sóc Trăng cho biết, qua xác minh, người phụ nữ trên tên Huỳnh Sà Sa, có hộ khẩu tại xã Thuận Hòa (H.Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Sà Sa là vợ của Sơn Tút (em ruột Sơn Thị Lành, Lành là vợ của Ba Tùng). Như vậy, ý đồ xảo quyệt của Lành bại lộ. Lúc 5 giờ ngày 17-1-1996, Sà Sa rời khỏi nhà Lành ở P4Q8, đi xe ôm đến Bến xe Miền Tây để về Sóc Trăng thì bị giữ lại, đưa lên xe du lịch đến trụ sở cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang.
Tại trụ sở công an, Sà Sa khai cách đó hơn 10 ngày, Sơn Lương (em ruột Lành, ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) chở một thanh niên đến nhà Sà Sa, giới thiệu tên Lạt (con riêng của Lành), do đá gà, đánh bài thua, bị cha ghẻ đánh đập nên nhờ Sà Sa dẫn sang Campuchia kiếm việc làm (có kèm lá thư của Lành). Mọi chi phí nhờ Sà Sa lo, sẽ thanh toán lại sau. Sau đó, Sà Sa dẫn Lạt sang Campuchia, gặp người cha kế là Tà Luông (đại úy lính Hoàng gia Campuchia). Sà Sa kể về hoàn cảnh của Lạt, nhờ Tà Luông cho gia nhập lính Campuchia, nhưng Tà Luông từ chối, vì Lạt không biết nói tiếng nước bạn.
Tà Luông đưa Lạt về Kô Kông làm mướn. Trong thời gian ở nhà Sà Sa, Lạt mượn của người đàn bà này 5 chỉ vàng để tiêu xài. Sà Sa trở về Việt Nam, đến TPHCM gặp Lành đòi lại số vàng Lạt mượn. Tại đây, Sà Sa mới vỡ lẽ: Lạt chính là Nguyễn Tấn Tát. Lành không có tiền mua vàng trả nên lập mưu tính kế đưa Sà Sa gặp lực lượng công an, với mục đích mượn bàn tay công an để buộc gia đình Tát trả thay số vàng. Lành nghĩ rằng Tát đang ở tận Campuchia, Công an tỉnh Tiền Giang không thể bắt được.
Căn cứ lời khai của Sà Sa cũng như tài liệu Ban chuyên án có được, ngày 17-1-1996, cơ quan điều tra bắt khẩn cấp Lành và Sơn Lương. Cả hai thừa nhận việc tổ chức đưa Tát đến Sóc Trăng, nhờ Sà Sa đưa sang Campuchia lẩn trốn.
Ngày 20-1-1996, tổ công tác đặc biệt lên đường đi Phrom Penh (Campuchia). Được sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ Campuchia, tổ công tác khẩn trương truy bắt Tát. Ngày 21-1-1996, tổ công tác đến Kô Kông. Thời điểm này, tàn quân Pôn Pốt vẫn còn hoạt động nên hành trình 300km từ Phrom Penh đến khu ruộng muối tỉnh Kô Kông và vào rừng vô cùng gian nan, nguy hiểm. Thậm chí tổ công tác phải cải trang thành thường dân Campuchia mới vào tới nơi, gặp ông Tà Lương.
Lúc đầu, ông Lương phản ứng gay gắt vì tưởng rằng lực lượng chức năng nước ta bắt Sà Sa. Ông nói: "Không biết tên Tát nào cả” và không muốn tiếp xúc. Nhưng thiếu tá Phong rất khôn khéo, nói rõ tội ác của tên Tát đã gây ra trên đất nước Việt Nam, đồng thời cho biết Tát đã lừa Sà Sa lấy 5 chỉ vàng 24K. Lời của thiếu tá Phong được Sà Sa xác nhận. Tà Lương nổi cáu, chửi thề: "Thế mà khi sang đây, nó nói láo là ở Việt Nam nó đá gà, đánh bài, bị gia đình ruồng bỏ, sợ công an Việt Nam bắt giam, nó chạy sang tìm việc làm sinh sống". Sau đó, ông sốt sắng dẫn đường cho tổ công tác vào Phun Đôn bắt đối tượng.
ĐỘT NHẬP PHUN ĐÔN BẮT KẺ ĐẦU SỎ
Ngày 22-1-1996, tổ công tác đặc biệt cùng ông Tà Lương bí mật vào khu vực Phun Đôn. Qua 2 ngày đêm đi đường biển và đường sông hết sức cam go, phức tạp, nếu bị Khơme Đỏ phát hiện sẽ nguy hiểm tính mạng. Nhưng với tinh thần dũng cảm, quyết tâm truy bắt bằng được kẻ trọng phạm, tổ công tác đã đến nơi an toàn. Sau khi nắm tình hình, thiếu tá Ngô Thanh Phong quyết định thực hiện phương án bắt bí mật tên Tát.
Bằng chiến thuật "điệu hổ ly sơn", với sự giúp đỡ của ông Tà Lương, vào gặp Tát và viện cớ có thể xin cho hắn gia nhập lính Hoàng gia Campuchia, nửa giờ sau ông dẫn Tát ra. Khi hắn vừa bước xuống tàu thì thiếu tá Phong chĩa sung, đanh giọng:
- Nguyễn Tấn Tát, anh đã bị bắt!
- Tôi biết rồi! Tôi nghĩ không bao giờ các ông bắt được tôi, nhưng tôi đã nhầm.
Tát đứng yên. Chiếc còng số 8 từ tay trinh sát Minh siết chặt đôi tay tội lỗi của hắn lúc 8 giờ ngày 24-1-1996. Chiếc xuồng cao tốc lướt nhanh trên sông nước mênh mông, đưa tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm về Phun Đôn. Từ đây hắn được đưa lên xe về Việt Nam. Suốt chặn đường dài hơn 500km về Việt Nam, Tát thở dài: "Các ông giỏi thật! Tôi nghĩ rằng các ông không bao giờ bắt được tôi, vì tôi đã đến một nơi mà tôi cho là an toàn nhất. Các ông trễ vài ngày nữa thì tôi sẽ sang Thái Lan. Đúng là đời tôi tận số rồi!".
Trong phiên tòa cuối năm 1996, với 4 tội danh: giết người, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản công dân, Nguyễn Tấn Tát bị tuyên án tử hình. Còn 16 đồng bọn của hắn cũng lãnh những bản án nghiêm khắc. Một buổi sáng mùa hè năm 1997, Tát đã bị thi hành án. Một kết cục tất yếu của kẻ xem thường pháp luật và mạng sống con người.
-------------------------------
* Tên đối tượng và người liên quan đã được thay đổi.
Xem thêm: lmth.003201_coun-tad-nert-ioul-as-iouc-yk/na-uv/nv.moc.nagnoc