vĐồng tin tức tài chính 365

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 8: Lũy Bán Bích từng ngát hương ngâu

2020-11-02 15:38
Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 8: Lũy Bán Bích từng ngát hương ngâu - Ảnh 1.

Tán xanh vườn ngâu còn sót lại ở đường Huỳnh Thiện Lộc, quận Tân Phú - Ảnh: THỦY TIÊN

Đồng ngâu mênh mông ở vùng ven Sài Gòn

"Ba tôi hồi đó ổng cưng cây ngâu lắm. Chặt ngâu là ổng la đó. Chỉ sau này khi ông già rồi nghễnh ngãng, con cháu muốn làm gì thì làm..." - bà Tăng Mỹ Nga (56 tuổi), một cư dân ở hẻm 118 đường Huỳnh Thiện Lộc (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) bắt đầu câu chuyện về nghề trồng ngâu của gia đình 60 năm trước đầy nuối tiếc.

Nếu hỏi đến "vườn" ở Sài Gòn xưa, người ta nghĩ ngay đến "Vườn" Tao Đàn, Vườn Chuối (quận 3), Vườn Lài (quận Tân Phú, quận 12). Nhưng hỏi đến vườn ngâu thì nhiều người sống tại Sài Gòn xưa cũng chẳng biết. Gu-gồ (Google) càng không. 

Dù suốt một thời dài những vườn ngâu này từng cho màu xanh mát và tỏa ngát hương thơm ở khu vực quận Tân Phú lấn sang cả địa bàn Tân Bình hiện nay. Người sành trà ở đất Sài Gòn chắc chắn cũng quá quen thuộc với hương hoa dịu ngọt này.

Những bậc cao niên từng trồng ngâu trước đây kể rằng vào giữa thế kỷ trước, nhiều hộ dân là người Hoa cùng là bà con đến khu vực xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định thuê đất trồng lài, ngâu để cung cấp nguyên liệu làm trà cho các cơ sở của cộng đồng người Hoa. Ban đầu, đường đi cũng chỉ là những lối mòn tự mở trong khu vực rộng lớn này. 

Địa giới vườn ngâu được xác định rộng khoảng 20 hecta này ngày xưa nằm trong các trục đường chính Huỳnh Thiện Lộc, Huỳnh Văn Chính, Khuông Việt, Trịnh Đình Trọng, Trịnh Đình Thảo ra đến Lũy Bán Bích hiện nay.

Nhớ về khu vườn ngâu rộng khi xưa, bà Nga cười, kể chuyện thời xưa chính bà từng đi lạc trong vườn ngâu 1,2 hecta của nhà mình. "Hồi xưa, tui ở nhà ngoài đường Lạc Long Quân, lâu lâu mới vô trong này phụ cha mẹ và các anh chị trồng ngâu. Có lần tui đi lạc trong khu vườn ngâu, không tìm được đường ra. Tui bị bà chị bả la, không biết cúi xuống nhìn lối mòn để thấy đường ra".

Thời chiến cuộc, người trồng ngâu ở khu vực này luôn canh cánh một nỗi lo sợ chẳng liên quan gì đến giá cả hay cướp bóc dù rất hoang vắng. "Hồi đó, tụi tui sợ nhất là lính Cộng hòa bên ngoài nghi vùng vườn tược rậm rạp này có Việt cộng rồi "câu" pháo vô thì chết cả đám" - ông Văn Quang (66 tuổi, nhà ở hẻm 118 đường Huỳnh Thiện Lộc), một trong những chủ vườn ngâu xưa, nhớ lại.

Cuộc sống của người trồng ngâu cũng đổi thay theo thời cuộc. Sau năm 1975, Nhà nước chỉ công nhận quyền sử dụng đất cho những người nào thật sự canh tác. Nhưng những thay đổi ở đây chỉ bắt đầu vào cuối thập niên 1980. Trước cơn biến động về đất đai và làn sóng nhập cư, nhiều chủ vườn đã chặt hạ ngâu để phân lô, bán nền. 

Vùng đất rợp bóng ngâu, nơi đám học sinh nhỏ vẫn xin vô cắm trại, chơi đùa giờ được bán rẻ như bèo. Chỉ một, hai chỉ vàng một nền (4m x 15m) nhưng mấy ai "dám rớ". Vào những tối mưa, cả khu tối om, vắng vẻ. Nước ngập lấp xấp trên đất. Trong vườn ngâu, tiếng ễnh ương à uôm nghe não cả ruột. 

Nhìn cách cả trăm thước mới có một ánh đèn vàng vọt từ một ngôi nhà hắt ra càng làm cho khách e ngại. Cảnh tượng hoang vắng cộng với việc mua bán đất thời điểm đó toàn giấy tờ tay đã khiến vườn ngâu một thuở ngát hương còn "thoi thóp" tồn tại kiểu "da beo" một thời gian nữa.

Nhưng cái ngặt cộng tính liều của nhiều người nghèo, chẳng có vốn mua đất rộng, nhà cao đã dần tạo nên một xóm lao động nhỏ với vài chục căn nhà lúp xúp trên vườn ngâu xưa. Thế nên, một nhà đánh con chửi cháu thì cả xóm đều nghe lồng lộng. Vợ chồng nhà nào cãi nhau từ già đến trẻ trong xóm đều biết.

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 8: Lũy Bán Bích từng ngát hương ngâu - Ảnh 2.

Ông Văn Quang tưới vườn ngâu hiếm hoi mình còn giữ lại - Ảnh: THỦY TIÊN

Người cũ, vườn xưa còn thấp thoáng

Nhắc nhớ chuyện xưa, nhiều người đều có cùng nhận xét như bà Nga về khu vườn ngâu khi mới thành xóm là vậy. Đường cũng chỉ là những con đường mòn được mở rộng hơn. Còn cái nghèo thì cả xóm ai cũng như ai. Mái tôn có, lợp giấy dầu có. Sang thì xây tường xung quanh. Nghèo thì tấm cót, tấm tôn quây lại cũng thành nhà. 

Trong tháng, nhà nào trúng mánh hay chơi sộp thì thuê tivi, đầu máy về thuê phim lẻ Hong Kong, cải lương về đặt giữa hẻm để nhà mình coi cho sướng mắt, sẵn "đãi" cả xóm đến coi chung cho vui. Đó là thuở vườn ngâu đang dần bị thu hẹp nhưng vẫn còn thoang thoảng hương thơm...

Buổi sáng, cả xóm đều đóng cửa đi cả, trừ một vài người có con nhỏ ở nhà chăm con. Nhưng tuyệt nhiên không có chuyện trộm cắp xảy ra. Thậm chí, cô Hà, cô Nga... ở nhà còn chăm con, coi nhà giúp luôn cho nhà hàng xóm như của nhà mình mà nhờ đó xóm tránh được một vụ cháy nhà do mấy đứa nhỏ nghịch dại. 

Như nhà tôi (giờ thuộc hẻm 118 Huỳnh Thiện Lộc) có nuôi một bầy vịt, đã lớn. Bỗng một buổi sáng tôi không để ý chúng xổng chuồng, chui rào biến mất. Sau mấy giờ đi tìm không thấy, mẹ con tôi bỏ cuộc vì còn phải đi học, đi làm. Đến chiều tối khi đi làm về, nhà tôi đã vui mừng thấy mấy con vịt được ai đó bắt giùm, lùa chúng vào phía bên trong hàng rào của nhà từ khi nào. 

Hỏi ra mới biết, bà cụ hàng xóm nhà bên cạnh nghe nhà tôi mất vịt nên tiếc của giùm, bỏ công sang khu đất còn là vườn ngâu bên cạnh tìm giúp!

Giờ khu vực vườn ngâu xưa đã thay đổi nhiều lắm. Nhà mặt tiền mọc lên khang trang. Xen lẫn sau đó là những khu nhà trọ bình dân san sát, nhộn nhạo người tứ xứ. Thành thị đó mà thôn quê cũng đây. Người đến ở nơi đây dù đã 30 năm nhưng nghe chuyện khu vườn ngâu mà cứ như nghe kể về xứ nào.

Tuy nhiên, nếu ai đó tinh tế để ý kỹ thì dấu xưa dù phai mờ vẫn chưa phải đã mất hẳn. Vườn ngâu tưởng chỉ còn trong hoài niệm vẫn đang thoang thoảng hương ngâu dù chỉ một vài nơi. Mỗi khi mùa mưa tới, những bông ngâu nhỏ vàng rực vẫn còn lấp ló trong đám lá xanh um.

Chuyện ngỡ như giấc mơ xưa này là thật 100%, khi vẫn còn đó 20 cây ngâu hơn 50 năm tuổi minh chứng cho lịch sử đồng ngâu, vẫn nở hoa đều đặn hằng năm trong khu đất hơn 5.000m2 mà ông Văn Quang vẫn giữ mấy chục năm qua ở số 118/80 Huỳnh Thiện Lộc.

Ông chủ vườn ngâu "gàn" nhất trong các chủ vườn, tâm sự mấy người ở phường rồi ở quận xuống gặp đều muốn ông giữ lại mấy chục cây ngâu cuối cùng này, để giữ lại một mảng xanh cho phường. 

Người ta sợ sớm muộn gì ông sẽ chặt đi vì ông già rồi, giá ngâu lại rẻ, hái chỉ tốn công. Rồi thời buổi tấc đất tấc vàng, lỡ nay mai ông thấy đất mà 20 cây ngâu "ở" đẻ ra vàng nhiều hơn những bông ngâu vàng còn ngậm sương trong nắng sớm...

Ông Quang không nói gì nhiều, cũng chẳng hứa hẹn gì. Nhưng lòng ông biết là mình sẽ giữ chúng cho đến cuối đời để nhớ về cái nghề của cha ông ngày xưa và được ngửi mùi thơm có vị ngọt của ngâu trong gió. 

Với ông, ngâu thơm không chỉ vào ban ngày mà nó thơm cả ngày lẫn đêm, nó thơm không chỉ ở nhà ông mà còn thơm cả xóm. Cái mùi hương của làng xóm, của tình thương thấm đượm suốt hàng chục năm qua mà ông vẫn cảm nhận nó hằng ngày trong từng hơi thở của mình....

"Khoảng năm 1989, tôi còn sang khu vườn ngâu này chơi. Cảnh y như ở quê khi vẫn thấy nhiều vườn ngâu có gốc xù xì, to lớn như bắp đùi người lớn, tán rậm rạp che mất cả người ở bên trong. Hương hoa thơm ngát có thể cảm nhận được từ cách xa hàng trăm mét. Ban ngày có đám trẻ chơi dưới các tán ngâu xanh mát, nhưng ban đêm hầu như không có bóng người vì thuở đó còn rất thiếu ánh đèn điện.

Nhiều người nội thành ra đây mua đất mà cứ ngỡ như về quê, đâu ngờ sau này đã trúng đậm vì vườn ngâu biến mất, "đất quê" đã lên phố …" - anh Nguyễn Quốc Minh, nhà ở đường Hiệp Nhất, phường 4, Tân Bình, kể chuyện xưa.

Kỳ tới: Bàn Cờ, giao điểm truân chuyên

Bàn Cờ, cái xóm lam lũ một thời chở che bao phận người cao thấp, vẫn còn đó trong một Sài Gòn mở rộng...

Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 7: Đường xưa về Nhà BèSài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 7: Đường xưa về Nhà Bè

TTO - Có lẽ đường Huỳnh Tấn Phát từ cầu Tân Thuận (quận 7) đến mũi Nhà Bè vốn xưa mang tên liên tỉnh 15 là con đường có nhiều địa danh dân dã nhất Sài Gòn.

Xem thêm: mth.6180610120110202-uagn-gnouh-tagn-gnut-hcib-nab-yul-8-yk-gnouht-gnouht-ohn-ohn-nog-ias/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 8: Lũy Bán Bích từng ngát hương ngâu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools