Mã Hiểu Đông (phải) vào vai Hoàng nhân vật đang gây tò mò - Ảnh TFS
Mở đầu cuốn hút với các hội chứng tâm lý lạ
Chuyện phim bắt đầu tại hẻm lao động Xóm Bóng. Hà - cô gái 30 tuổi, mới đến thuê nhà để đã bị giết chết bí hiểm. Lực lượng đội cảnh sát K13 đến hiện trường.
Họ phát hiện ra nhiều điểm lạ lùng: nạn nhân nằm ngay ngắn, có một nhát dao trên cổ tay, chết vì mất máu từ từ, nhưng sàn nhà chỉ có vài giọt máu vương vãi...
Quá ít manh mối, đội điều tra phải mời Hoàng - một sinh viên cao học chuyên ngành Tâm lý tội phạm cộng tác để tìm hung thủ theo hướng khác.
Ngay từ những tập đầu tiên khán giả đã gặp nhiều nhân vật kỳ lạ với các hội chứng sợ đám đông, ám ảnh thiếu máu, thăng hoa tình dục và cả những cơn hoang tưởng sau sang chấn tâm lý.
Trích đoạn trong phim Kẻ sát nhân cô độc
Điểm mạnh đầu tiên của bộ phim này là đề tài khá lạ so với vệt phim truyền hình hiện nay. Khai thác sâu tâm lí tội phạm, Kẻ sát nhân cô độc không chỉ là phim hình sự điều tra phá đơn thuần, mà đó là những màn đấu trí khá căng thẳng, vận dụng cách phác họa chân dung tội phạm bằng tâm lí để phục vụ điều tra.
Vấn đề trong tâm lý học hiện nay ít được quan tâm tại Việt Nam, nên khi chọn kịch bản theo hướng này để thực hiện là một sự liều lĩnh, dũng cảm của nhà sản xuất TFS.
Trần Đức Long đã dành thời gian dài nghiên cứu tham khảo về phân tâm học, chuyên sâu về tâm lí con người để những phân đoạn trong phim được logic và hấp dẫn.
Lực lượng đội cảnh sát K13 trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
Không chỉ khác biệt về kịch bản, qua hai tập đầu tiên, tính chuyên nghiệp và hiện đại trong cách dàn dựng phần nào được thể hiện.
So với phim truyền hình Việt Nam hiện nay thì đây là cách thể hiện hơi xa xỉ - phim được quay và dàn dựng theo ngôn ngữ điện ảnh. Vốn là một quay phim có nghề nên khi làm đạo diễn, Trần Đức Long đã phát huy thế mạnh này của mình.
Những khung hình đẹp ấn tượng trong cách cảnh quay, chi tiết được cài cắm đặc tả. Âm thanh được sáng tác riêng với tiết tấu phù hợp, những pha hành động mãn nhãn và đẹp mắt .
Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
Mặt khác sự góp mặt của những gương mặt trẻ tạo nên sự tươi mới: Huỳnh Trường Thịnh với dáng vẻ đẹp trai, phong độ... phù hợp với vai thượng úy Luân tính cách ngang tàng, bản lĩnh.
Huyền Thạch hóa thành trung úy Nghi xinh đẹp, khung hình sáng bừng lên khi cô xuất hiện. Thạch Kim Long vào vai thiếu tá Thái chững chạc nhiều kinh nghiệm.
Và bất ngờ, Mã Hiểu Đông vào vai Hoàng - sinh viên cao học Luật chuyên ngành Tội phạm học. Khuôn mặt trắng, lạnh lùng, có tài phán đoán… người xem có cảm giác rờn rợn nhưng cũng tò mò muốn biết thân phận của anh ta.
Mang màu sắc điện ảnh lên màn hình nhỏ
Hai năm qua, hãng phim TFS bắt đầu tìm những hướng đi cho riêng mình trong việc chọn kịch bản, cùng với cách làm phim hiện đại theo xu hướng chung của thế giới.
Có thể kể đến lung linh ngôn tình với cuộc chiến tình - tiền như Mùa cúc Sushi, hay chạm vào đề tài nóng gai góc như Rừng thiêng và nay là Kẻ sát nhân cô độc.
Mã Hiểu Đông vai Hoàng trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
Tuy nhiên với các nước Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... dòng phim truyền hình luôn được chú trọng đầu tư đúng mức.
Với kinh phí khủng, kịch bản hay, dàn diễn viên nổi bật, họ muốn khán giả truyền hình với công nghệ hiện đại tại gia có thể thưởng thức trọn vẹn những khoảng khắc đẹp, những tập phim như đang được xem trên rạp chiếu phim.
Còn ở Việt Nam kinh phí sản xuất phim truyền hình vẫn còn khiêm tốn. Vì thế Kẻ sát nhân cô độc là một sự thử nghiệm thú vị của TFS.
Huỳnh Trường Thịnh (phải) vai vai thượng úy Luân Huyền Thạch vai trung úy Nghi - Ảnh TFS
Và với những thước phim ban đầu những nỗ lực, sáng tạo, của ê kíp đã thể hiện khá rõ nét: sự chỉn chu, chuyên nghiệp trong từng khung hình, màu sắc phim hiện đại, tiết tấu nhanh, ấn tượng, dàn diễn viên chính lẫn phụ khá hợp vai.
Các tình tiết, gút thắt - mở phim được kể nhiều bằng hình ảnh nên đòi hỏi sự chú tâm của khán giả để có thể nắm bắt trọn vẹn được nội dung.
Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
Ông Phạm Việt Phước - phó giám đốc Hãng phim TFS - cho biết Kẻ sát nhân cô độc vẫn khai thác thế mạnh vốn có của phim TFS:
"Đi tận cùng của Kẻ sát nhân cô độc, chúng tôi muốn lột tả tâm trạng và số phận của con người qua những vụ án khá ly kỳ. Những bộ phim sắp tới của TFS vẫn chọn cách thể hiện mới về thân phận con người".
Kẻ sát nhân cô độc vẫn còn hành trình 28 tập phía trước, những manh mối điều tra luôn có mắc xích với những đan xen của quá khứ và hiện tại.
Theo bật mí của ê-kíp, sau tất cả những vụ án thì điều còn lại sẽ là thân phận và tình yêu - không thể nhân danh tình yêu mà thực hiện những điều độc ác.
Mọi nhân vật đều là ẩn số bí ẩn trong trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
Kẻ sát nhân cô độc không còn… cô độc
Bên cạnh sự chuyển mình, dịch chuyển ê-kíp sản xuất từ thế hệ đàn anh có kinh nghiệm sang những người trẻ tuổi giàu nhiệt huyết, Kẻ sát nhân cô độc còn là bộ phim đánh dấu cách làm truyền thông mới của TFS trong giai đoạn mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Thường thì phim do TFS sản xuất ra mắt lặng lẽ, phát sóng lặng lẽ trên truyền hình nên ít tạo dư luận trong khán giả, dù một số phim được đánh giá chất lượng cao, đạt khá nhiều giải thưởng.
Nay Kẻ sát nhân cô độc có màn ra mắt báo chí hoành tráng. Trang fanpage của phim được lập ra, thường xuyên giới thiệu trích đoạn, trailer nhân vật để khán giả hiểu thêm…
Sau khi phát sóng trên HTV9 lúc 22h thứ hai đến thứ năm hằng tuần, phim sẽ phát trên hệ thống Hplus films và YouTube.
'Kẻ sát nhân cô độc' là bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của đạo diễn Trần Đức Long - một cái tên mới trong giới đạo diễn nhưng lại vô cùng quen thuộc ở lĩnh vực quay phim.
Xem thêm: mth.54941355182010202-yl-mat-hna-ma-gnuhn-caht-iahk-hcac-iov-cod-cod-oc-nahn-tas-ek/nv.ertiout