Ngày 2-11, tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến vấn đề quản lý an toàn, vận hành hồ chứa thuỷ điện.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu với tính dị thường và cực đoan ngày càng lớn, chúng ta đã chứng kiến những cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, kèm theo đó là lượng mưa lớn và kéo dài. "Do đó, việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và và bão lụt, bảo đảm an toàn của hồ thủy điện, hồ chứa nước, hồ thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của Chính phủ với các bộ ngành" - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu về vấn đề quản lý, vận hành hồ chứa thuỷ điện tại buổi thảo luận tổ ngày 2-11
Theo người đứng đầu ngành công thương, cả nước có hơn 400 công trình thủy điện nhỏ được đưa vào vận hành khai thác với dung tích 56 tỉ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước.
Hiện có đầy đủ quy định quản lý nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ. Trong đó, quy định trách nhiệm rất rõ các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây Dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong đảm bảo quản lý an toàn hồ đập thủy điện, cũng như quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ, công tác vận hành của các hồ, đập thủy điện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cung cấp thông tin thêm hiện có 401/401 các đập đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.
Bên cạnh đó, có 401/401 hồ chứa có các quy trình đã được các cơ quan có thẩm quyền của trung ương hoặc địa phương phê duyệt theo quy định về phương án ứng phó thiên tai cũng như tham gia phối hợp trong phòng chống ứng phó bão lũ tại địa phương.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết trong mùa bão lũ 2020, cơ quan này đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ, đập thủy điện. Qua thực tế, tất cả hồ đập thủy điện đều đảm bảo an toàn cũng như công tác vận hành. Tất cả hồ đập thủy điện đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo đúng quy định pháp luật.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, có một số thông tin có nói hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt cho địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn cho thấy, tại tỉnh Quảng Nam, hồ thủy điện Đắk Mi 4 là hồ có dung tích lớn, có những thời điểm đỉnh lũ ngày 28-10, lượng nước về hồ tới 17.000 m3/giây, nhưng chính nhờ dung tích của Đắk Mi 4 có khả năng điều tiết, chứa nước để cắt lũ đã giúp cắt lũ hơn 55%, nếu không đỉnh lũ về ngày 28-10 sẽ gây ngập lụt trắng toàn vùng hạ du.
"Tuy nhiên, chúng ta duy trì kéo dài xả lũ sang ngày 29 và 30-10, xả nước ở mức thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần chống lũ có hiệu quả cho vùng hạ du"- Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương để nói về tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Theo đó, tại miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm thậm chí 3.000 mm. "Với thời gian lưu bão lâu và lượng mưa lớn, liên tục tại khu vực miền Trung, trong khi đây là khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng đất lở, sụt lở gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng...." - lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân câu chuyện ảnh hưởng môi trường trong hoạt động kinh tế xã hội, dân sinh là vấn đề sẽ phải đánh giá kỹ hơn, kể cả công trình thủy điện, giao thông...