Trong phiên thảo luận ngày 2.11 về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, đại biểu Quốc hội đánh giá, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 và lũ lụt lịch sử, điểm sáng nổi bật của Việt Nam là kinh tế vẫn tăng trưởng dương, 8/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao đã đạt và vượt. Có được điều này là nhờ sự điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ.
Báo Lao Động ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong năm vừa qua, cũng như những nhiệm vụ phải làm để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2021.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Kiên trì “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch
Năm 2020, chúng ta gặp nhiều thách thức cả bên trong và ngoài. Bên ngoài như đại dịch COVID-19 đã gây tổn thương đến kinh tế xã hội, suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng. Theo đó, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên bị tác động bên ngoài rất nhiều. Vắc xin chưa xác định bao giờ sẽ có trong khi COVID-19 ngày càng nhiều biến tướng.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ chúng ta đã đạt được những kết quả. Thế giới ca ngợi Việt Nam là điểm sáng, “ngọn hải đăng” trong phòng chống dịch. Lạm phát kiểm soát dưới 4%. Thế giới cũng rất ngạc nhiên về lĩnh vực xuất khẩu.
Cụ thể như quý 3 tăng 11%, cao nhất thế giới. Chúng ta đã tận dụng được các Hiệp định thương mại với Châu Âu, Thái Bình dương. Theo dự báo, tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 khoảng 1,5-2%.
Để tiếp tục phát triển trong năm 2021, trong bối cảnh thế giới và trong nước vẫn chưa ổn định về dịch bệnh, Chính phủ nên đưa ra 2 kịch bản kể cả kịch bản xấu, kiên trì mục tiêu “kép” vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch. Tuy nhiên cần phải chú trọng mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Bởi nếu để dịch bệnh bùng phát thì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cũng không thể thực hiện được.
Đại biểu Trần Hồng Hà (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) – Bộ trưởng Bộ TNMT: Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao
Việc cần thiết lúc này là chúng ta cần tính toán lại cơ cấu nền kinh tế để thích ứng được với dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu. Cần có chính sách đột phá để đón được làn sóng đầu tư, tái cấu trúc hiện nay.
Qua đợt dịch COVID-19 cũng cho thấy nông nghiệp vẫn là hậu phương, là điểm sáng, có dư địa và tính cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên trong thời gian tới nông nghiệp phải đầu tư công nghệ cao, công nghệ chế biến tiêu dùng, đảm bảo việc “được mùa không mất giá”, “được giá không mất mùa” và xác định đó là ngành chiến lược, là hậu phương lớn trong bối cảnh hiện nay.
Ngoài ra, đối với người dân hoặc đồng bào dân tộc, cái khó khăn nhất là sự an toàn, sự ổn định và sinh kế bền vững. Mục tiêu liên quan đến thích ứng, phòng tránh rủi ro cho người dân thích ứng với biến đổi khí hậu là mục tiêu cần nhấn mạnh trong thời điểm hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TPHCM): Cần sẵn sàng tái khởi động nhiều lĩnh vực
Tôi đánh giá, với những diễn biến khó lường của năm 2020, điều dễ nhận thấy nhất đó là sự linh hoạt trong điều hành, sự chuyển động để thích ứng với tình hình của Chính phủ. Đặc biệt, trong khó khăn đã bộc lộ rõ năng lực lãnh đạo của Đảng. Cùng với đó là sự chấp hành, tín nhiệm của nhân dân.
Sự lãnh đạo của Đảng - vào cuộc của cơ quan chính quyền, đoàn thể - lòng dân” như chiếc kiềng ba chân, quyện thành một sức mạnh tổng hợp. Khi có biến cố chúng ta lại càng thấy rõ điều đó.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tôi cho rằng chúng ta sẽ “thấm rất đau” trong năm 2021 cả về tinh thần lẫn kinh tế, vì vậy đề nghị Chính phủ cần phải có nhìn nhận, phân tích, nghiên cứu đánh giá lại, thảo luận để đưa ra bài học kinh nghiệm. Phải nhận định những tác động từ năm 2020 để đưa ra phương hướng, kịch bản cho năm 2021.
Về mục tiêu năm 2021, tôi cho rằng, sau thời gian giãn cách xã hội, nhu cầu giao lưu theo nhóm đã tăng, chính vì vậy ngành du lịch cần phải sẵn sàng tái khởi động lại. Theo đó, phải đẩy mạnh quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân có thể hưởng thụ các dịch vụ cao cấp.
Về lĩnh vực nông nghiệp, trong bối cảnh các nước còn khó khăn, Việt Nam cần nổi lên như một quốc gia có trách nhiệm với quốc tế về cung cấp các sản phẩm, hàng hóa. Đây là cũng là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và kích hoạt chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Xem thêm: odl.370158-1202-man-ioh-ax-et-hnik-neirt-tahp-ed-cuv-hnil-ueihn-gnod-iohk-iat/et-hnik/nv.gnodoal