Hiện trường nơi xảy ra sạt lở đất vùi lấp hàng chục người tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: THÚY ÁI
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 10 do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức ngày 2-11, phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề cập câu chuyện sạt lở đất tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề và những thông tin trên mạng xã hội cho rằng "việc cảnh báo sạt lở đất của chúng ta yếu kém, không có kinh nghiệm".
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường báo cáo về công tác nghiên cứu, lập bản đồ cảnh báo, ứng phó sạt lở đất.
Phải làm công phu, bài bản
Ông Lê Công Thành, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết trong đợt thiên tai vừa qua ở miền Trung, sạt lở đất diễn biến hết sức phức tạp.
"Kinh nghiệm trên thế giới, những vùng có địa hình, cấu trúc địa chất tương tự như Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng thường xảy ra sạt lở đất và gây thiệt hại nghiêm trọng. Muốn cảnh báo được sạt lở đất đòi hỏi phải làm công phu, bài bản. Do đó, phải dựa vào nghiên cứu đánh giá địa hình, địa chất của từng khu vực, từ đó mới cho ra bản đồ nguy cơ sạt lở.
Từ bản đồ này sẽ biết được xã này, huyện kia có những điểm đứt gãy, có những cấu trúc địa chất mà khi có các yếu tố kích hoạt có thể xảy ra sạt lở đất. Tuy nhiên, khi mưa lũ xảy ra thì nó sạt lở ở chỗ nào là điều rất khó nói trước được.
Ở quốc gia có công nghệ cao về phòng chống thiên tai như Nhật Bản, năm 2017 cũng xảy ra trận sạt lở đất rất lớn, nằm ngoài mọi tính toán từ trước và gây ra thiệt hại lớn", ông Thành nói.
Theo ông Thành, cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, cấu trúc địa chất một cách chi tiết, cụ thể hơn.
Hiện Viện khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã làm bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bản đồ được làm đến cấp xã với tỉ lệ 1/50.000.
Tuy nhiên, bản đồ này cảnh báo nguy cơ trên diện rộng và dựa trên địa hình, địa chất và còn tùy thuộc vào điều kiện cụ thể tại hiện trường như các công trình, đường giao thông, cộng với lượng mưa rơi xuống mới có thể ra được các điểm sạt lở.
"Ở Việt Nam đã có hệ thống cảnh báo sớm dựa trên bản đồ nguy cơ và lượng mưa để gửi các địa phương và nhiều quốc gia đã lắp đặt hệ thống cảnh báo sạt lở sớm nhưng chỉ mang lại hiệu quả nhất định, còn thực tế vẫn xảy ra sạt lở đất và gây thiệt hại", ông Thành nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sạt lở đất là 'kẻ thù' vô cùng có khăn trong dự báo, cảnh báo - Ảnh: CHÍ TUỆ
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng như Nhật Bản làm tốt cảnh báo nhưng sạt lở đất vẫn tăng 50% so với trước đây. "Không giống như bão hay loại hình thiên tai khác, sạt lở đất là "kẻ thù" vô cùng khó khăn trong dự báo, cảnh báo để ứng phó dù chúng ta đã cố gắng" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nhiều nơi người dân sinh sống ổn định vài chục năm, địa chất được đánh giá ổn định nhưng thời gian qua lại xảy ra sạt lở đất.
Do đó, Phó thủ tướng đề nghị thời gian tới Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá một cách chi tiết hơn.
"Sạt lở đất xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Do đó, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn cần thông tin một cách khoa học, kịp thời để người dân nắm được, tránh hiểu sai và hiểu không đầy đủ về nguyên nhân gây sạt lở đất" - phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nhật Bản kết hợp 3 yếu tố
Chia sẻ thêm về ứng phó sạt lở đất, ông Yasuhiro Tanaka - chuyên gia Jica, cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) - cho biết địa hình Nhật Bản có độ dốc lớn nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất.
"Nhật Bản cũng 'đau đầu' trong chuyện nhận biết khi nào, ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất. Bởi có nhiều yếu tố gây ra sạt lở đất như phụ thuộc vào sự phân bổ mưa hay đặc điểm địa chất của từng vùng" - ông Tanaka nói.
Ông Yasuhiro Tanaka chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó sạt lở đất tại Nhật Bản - Ảnh: CHÍ TUỆ
Theo ông Tanaka, để đưa ra cảnh báo sạt lở đất, Nhật Bản dựa trên 3 yếu tố và kết hợp chúng để ngăn chặn sạt lở.
"Đầu tiên, chúng tôi tìm hiểu xem lượng mưa rồi chia thành các vùng, vùng đỏ là vùng mưa nhiều, có nguy cơ sạt lở cao thì chính quyền địa phương sẽ có thông báo và kế hoạch di dời người dân khi có khả năng xảy ra sạt lở.
Thứ hai, chúng tôi xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, các trạm quan trắc lượng mưa trong phạm vi 10.000m2 để thông báo cho người dân di chuyển.
Thứ ba, chúng tôi chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa sạt lở đất. Dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ để xây dựng các công trình ngăn chặn sạt sở, ví dụ như nổi tiếng nhất là đập Sabo Dam để ngăn chặn bùn, đá…" - ông Tanaka chia sẻ.
TTO - Nghiên cứu của GS Joseph Wartman và cộng sự kết luận chỉ cần thay đổi một số thái độ ứng xử đơn giản như tìm hiểu về lở đất hoặc biết cách di dời, nhiều người sẽ được cứu sống.