Tháng 6/2008, thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống George W. Bush, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức đến Mỹ và hội đàm cùng Tổng thống Bush.
Trước đó, từ thời Tổng thống Bill Clinton, quan hệ Việt - Mỹ thực tế đã được vạch ra lộ trình để thiết lập những nền tảng vững chắc. Đến thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ quyết tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Đây là thời điểm "người ta cần mình và mình cũng cần người ta".
Liên tục trong các năm 2006 - 2007, lãnh đạo hai nước có nhiều chuyến công du qua lại. Năm 2006, Tổng thống George W. Bush đến Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC. Năm 2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có chuyến thăm đến Mỹ. trong khuôn khổ chuyến thăm này, Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Mỹ (TIFA) đã được ký kết.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể nói diễn ra đúng thời điểm Mỹ có nhu cầu thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Việt Nam. Cho nên chuyến công du này mặc dù diễn ra vào thời điểm cuối nhiệm kỳ của ông Bush "con" nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng. Trong nước khi đó cũng có ý kiến cân nhắc, nhưng trung ương quyết định phải sang và nên sang, để giữ được "ngọn lửa" đang nồng ấm trong bang giao hai nước, không nên để vì nước bạn bận bầu cử, bận chuyển giao mà quan hệ hai bên lắng xuống.
Thời điểm này, Tổng thống George W. Bush đã trải qua 2 nhiệm kỳ và sắp đến thời kỳ chuyển giao. Vì vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ là do yêu cầu và nhu cầu của ta trong việc tiếp nối quan hệ giữa Tổng thống đương nhiệm và người kế nhiệm.
Việc chuẩn bị cho chuyến thăm cũng hết sức cấp bách vì thời gian ta thì còn nhưng về phía Mỹ thì Tổng thống Bush sắp hết nhiệm kỳ, nước bạn cũng chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử. Thông thường, khi một Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ thì ta không sang, bạn cũng bận và hiếm khi mời. Nhưng trong quan hệ Việt - Mỹ lúc ấy, hai bên đều rất sẵn sàng, rất thoải mái, gặp gỡ nhiều cuộc. Phía Mỹ cũng rất chu đáo, không bỏ sót cử chỉ lễ tân nào. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Bush, hay đến các địa phương, phía bạn cũng bày tỏ tinh thần chung là khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục gắn kết hơn nữa trong quan hệ với Việt Nam.
Trong quan hệ hai nước thì có lúc phía bạn cần, có lúc ta cần, không phải lúc nào cũng giống nhau. Nhưng nhìn chung thì nhu cầu của Mỹ trong việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam ngày càng tăng. Dù là đời Tổng thống nào, đảng Dân chủ hay Cộng hòa.
Tôi còn nhớ, trong tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ hai nước, ông Clinton có đến và phát biểu. Lịch trình là kết thúc bài phát biểu, ông Clinton sẽ về luôn. Nhưng đột nhiên, ông ấy quay ra nói với tôi là: "Ngài Đại sứ ơi, tôi muốn ở lại thêm một lúc được không?"
Khi ông Clinton ở lại nói chuyện, ông có nói một câu làm tôi nhớ đến bây giờ, chắc là nhiều người cũng thấm thía: Mỹ có 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa, khác biệt nhau rất nhiều, nhưng trong quan hệ với Việt Nam luôn thống nhất. Dưới thời ông Clinton là như thế, đến thời ông George W. Bush và sau đó người kế nhiệm là ông Obama cũng thế. Đảng cầm quyền có thể khác nhau, nhưng mạch chính trong quan hệ hai nước vẫn được duy trì, và Mỹ luôn tích cực thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Tháng 10/2008, sau khi trình Quốc thư, tôi đi Texas thăm ông Bush "cha". Cuộc trò chuyện rất thoải mái, cựu Tổng thống Bush còn đùa rằng, nếu tôi gặp vấn đề gì thì cứ nói với ông, ông sẽ gọi cho con trai thu xếp.
Phải nói tình cảm của phía bạn đối với Việt Nam lúc ấy thể hiện rất rõ nhu cầu bang giao của Mỹ. Ông George W. Bush, khi còn là Tổng thống, là một trong những người thúc đẩy Mỹ xoay trục sang Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Khi nước Mỹ đã yên tâm với châu Âu rồi, tạm thời ổn với Trung Đông rồi thì họ có lộ trình xoay trục sang Đông Nam Á. Xu hướng này đã có từ thời Tổng thống Clinton, nhưng chưa mạnh mẽ lắm. Đến thời ông Bush "con" thì làm rất mạnh.
Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Bush thể hiện rất rõ nhu cầu của họ trong quan hệ với Việt Nam. Lợi ích của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam là lớn. Nếu xoay trục về Đông Nam Á, không thể không nhắc đến vai trò của Việt Nam. Còn chúng ta cũng có nhu cầu đẩy mạnh quan hệ với Mỹ vì mục tiêu duy trì hòa bình, hợp tác, ổn định.
Thời điểm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008, tôi cũng dự Đại hội của cả hai đảng. Còn chuyện chuyển giao đã được quy định trong luật, không có gì phức tạp. Bầu cử xong, quá trình chuyển giao cũng diễn ra nhẹ nhàng, cái quan trọng cần theo dõi là chính quyền mới được sắp xếp ra sao, ảnh hưởng tới mình đến đâu thì qua những quan sát vào thời đấy không thấy gì thay đổi trong quan hệ với Việt Nam.
Đại sứ Lê Công Phụng trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ George W. Bush ngày 22/1/2008. Ảnh: Whitehouse.gov
Đến năm 2010, bước sang nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Mỹ dự họp Liên Hợp Quốc và dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ.
Lúc này cũng là lợi ích lớn của chúng ta. Thông thường, với các cuộc họp cấp cao ASEAN, Thủ tướng là người tham dự, còn Hội nghị cấp cao APEC thì do Chủ tịch nước tham dự, đây là phân công hành chính nội bộ. Nhưng khi ta đề nghị Chủ tịch nước sang, bạn chấp nhận. Đây là cái mới của mình mà lý do là nhân dịp này, ta muốn thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, khi các sự kiện trên có Tổng thống Mỹ tham dự.
Một lý do khác là lúc ấy, ta muốn đề cập đến vấn đề Biển Đông, "vạch mặt" đối tượng gây rối, đồng thời khẳng định mạnh mẽ quan điểm của ta để dẹp mấy anh "ăn theo nói leo" trong vấn đề này.
Tuy nhiên, khi hội nghị ASEAN - Mỹ chuẩn bị diễn ra, lại có những nguồn tin cho biết các nước ASEAN thống nhất không đề cập đến chuyện Biển Đông trên diễn đàn. Thời điểm đó, Mỹ đang nói rất mạnh về Biển Đông. Họ phản ứng ghê lắm. Phía Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ gọi cho tôi liên tục hỏi nguyên nhân. Họ nói, nếu các nước ASEAN không nói, Mỹ cũng sẽ không nói. Nhưng nếu Mỹ không nói gì về vấn đề Biển Đông, mà họp trên đất Mỹ, sẽ rất mất uy tín.
Khi tôi gặp Chủ tịch nước báo cáo, Chủ tịch nước có nói với tôi: "Sao lại thế?"
Lúc đó tôi hiểu tình hình là không có chuyện thống nhất rồi. 15 năm, năm nào cũng phải đấu tranh để có 3-5 dòng về Biển Đông trong Tuyên bố chung. Nếu lần này không nói sẽ là thiệt hại rất lớn.
Chủ tịch nước nói với tôi: "Phụng yên tâm, tôi sẽ nói!"
Cái hay là sau khi Việt Nam phát biểu về vấn đề Biển Đông, thì Mỹ nói, và các nước ASEAN, nhất là Indonesia và một số nước khác còn nói mạnh hơn ta.
Như vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bush là để thúc đẩy mối quan hệ hai nước đang nồng ấm. Còn thông qua chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết với phía Mỹ, ta có thể rút ra một điều là Tổng thống Obama cũng không khác gì Tổng thống Bush trong vấn đề quan hệ với Việt Nam. Những việc gì mà chính quyền ông Bush đang làm dở thì chính quyền ông Obama sẽ tiếp tục. Vì đấy là lợi ích tối cao của Mỹ.
Thời gian tôi còn công tác tại Mỹ, Đại sứ Việt Nam bất kỳ lúc nào cũng có thể lên làm việc với Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, với hội đồng cố vấn của Tổng thống. Lúc ấy quan hệ giữa hai nước rất tốt, trên đà đi lên. Tôi còn nhớ, khi tôi đến Hawaii thăm Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình Dương, chỉ có tôi với một thư ký đi cùng mà 38 vị tướng tá Mỹ tiếp cả buổi sáng. Mọi người đều nói tốt về Việt Nam, muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Nếu như Tổng thống George W. Bush là người xoay trục về Đông Nam Á, thì Tổng thống Obama là người tiếp tục chính sách đó. Bà Hillary Clinton, khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, tại cuộc họp ở Đà Nẵng từng khẳng định, Mỹ trở lại châu Á để ở lại chứ không phải để rời đi.
Tới nay, đến thời Tổng thống Donald Trump, có thể nói ông Trump thúc đẩy xoay trục mạnh nhất, mở rộng trục ra, với chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đương nhiên, bánh xe lớn hơn thì gánh nặng cũng lớn hơn.
Trong các đời Tổng thống Mỹ, ông Trump là người khó đoán, nhưng quan hệ Việt - Mỹ trong nhiệm kỳ của ông cho đến nay lại có nhiều bước tiến thuận lợi. Ông là Tổng thống Mỹ duy nhất cho đến nay có chuyến thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên cầm quyền. Trong tất cả các nước Đông Nam Á, Thủ tướng Việt Nam cũng là lãnh đạo có chuyến thăm Mỹ đầu tiên sau khi ông Trump đắc cử.
Điều này không phải không có nguyên do, đây là nhu cầu của nước Mỹ. Xét trong bối cảnh hiện tại, nếu muốn thực hiện chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì Mỹ không thể không tìm kiếm những đối tác như Việt Nam.
Về phần mình, chúng ta cũng có nhu cầu, lợi ích quốc gia trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Duy trì quan hệ cân bằng với các nước lớn là vấn đề khó khăn, phức tạp và tế nhị. Ở vị thế được nhiều bên cùng tranh thủ thì ta càng phải đi cho thẳng, không được nghiêng ngả về bên nào. Đấy là cái khó của nước nhỏ.
Theo Đoàn Lan Hương
Tổ quốc