Thống kê của VnEconomy trên 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020 cho thấy sự chênh lệch rõ nét của tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2020.
CHÊNH LỆCH LỚN VỀ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG
Ở một mặt, nhiều nhà băng đã đẩy mạnh cho vay trong kỳ 9 tháng vừa qua, có không ít ngân hàng dư nợ cho vay cuối kỳ tăng trên 15% so với hồi đầu năm.
Mức tăng lớn nhất đến từ NamABank - một ngân hàng nhỏ trong hệ thống nhưng dư nợ cho vay trong kỳ đã tăng 27,3%. Các ngân hàng khác có tăng trưởng cho vay tăng trên 15% trong 9 tháng gồm TPBank (15,5%), VIB (15,3%) và MSB (15,5%).
Đáng nói, sự phân hóa trong năm nay diễn ra khá rõ rệt khi nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay tăng khá thấp. Tổng cả 27 ngân hàng, dư nợ cho vay chỉ tăng 6,2% so với hồi đầu năm.
Nếu như trong 9 tháng đầu năm ngoái, số ngân hàng có dư nợ cho vay tăng trên 10% lên đến 18 ngân hàng thì kỳ năm nay, con số này mới đang ở 11. Tương tự, nếu kỳ này năm ngoái chỉ có 4 ngân hàng tăng trưởng cho vay dưới 4% thì năm nay, có tới 9 ngân hàng ở tình trạng tương tự. Đặc biệt, có 3 ngân hàng có tăng trưởng cho vay âm gồm SeABank (-0,8%), Saigonbank (-3,2%) và Eximbank (-10,5%).
Thống kê cũng cho thấy sự đảo chiều từ một vài ngân hàng như Techcombank, 9 tháng năm 2019 tăng trưởng cho vay còn cao nhất bảng với 2,4% thì năm nay, dư nợ cho vay chỉ mới tăng 9,2% trong 9 tháng. Hay như OCB, dư nợ cho vay 9 tháng tăng 11,4% cùng kỳ năm ngoái, giai đoạn này tín dụng đã tăng trên 20%.
Bức tranh chung cho thấy trong khi các ngân hàng lớn như VCB, BIDV, Vietinbank, VPBank tăng trưởng tín dụng vẫn còn yếu thì các ngân hàng nhỏ và vừa đang đẩy mạnh hạng mục này.
Ở phía huy động vốn, NamABank có mức tăng tín dụng cao thì đi cùng đó, tăng trưởng tiền gửi cũng tăng trên 30,7% trong 9 tháng. Ở mặt khác, Eximbank cũng vừa là ngân hàng có tăng trưởng tín dụng thấp nhất (-10,5%) và tăng trưởng tiền gửi thấp nhất (-8,2%). Thế nhưng đối với MSB, dù dư nợ cho vay tăng cao thứ 2 trong bảng (15,5%) tuy nhiên tiền gửi khách hàng lại sụt giảm nhẹ 1%.
Thanh khoản hệ thống vẫn khá cân bằng khi tổng huy động vốn của 27 ngân hàng cũng chỉ mới tăng 7,2% trong vòng 9 tháng.
NHIỀU NHÀ BĂNG SẼ TĂNG TÍN DỤNG VƯỢT 20%
Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia tài chính cho biết, sự phân hóa mạnh mẽ về mức tăng trưởng tín dụng của các nhà băng thường tỷ lệ thuận với mức độ phụ thuộc thu nhập của nhà băng vào thu nhập lãi vay. Đặc biệt, trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế, tín dụng toàn ngành tăng trưởng thấp sẽ khiến cơ hội được nới room tăng cao hơn, nhiều nhà băng được đà tăng mạnh nếu có thể nhằm tranh thủ thu nhập từ hoạt động này.
Đối với các nhà băng có thu nhập ở các hoạt động khác đủ lớn để tăng trưởng lợi nhuận, việc đẩy mạnh cho vay không mạnh mẽ như các ngân hàng có mức độ phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi vay. Đây là một trong những lý do khiến sự phân hóa về tăng trưởng cho vay lớn như thời gian qua. Vị chuyên gia này cũng dự báo, số lượng ngân hàng có tăng trưởng tín dụng vượt 20% trong cả năm là không hề ít.
Thống kê của VnEconomy cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập của phần lớn các ngân hàng đều đã tăng lên, cho thấy các mảng hoạt động khác đang dần đỡ gánh nặng trong việc gia tăng lợi nhuận.
Tổng thu nhập ngoài lãi của 27 ngân hàng được thống kê chiếm hơn 62.015 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 24% vào tổng thu nhập khối nhà băng này.
Trước đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 30/9/2020, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 6,09% so với cuối năm 2019, ước tính khoảng 499 nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng bơm thêm ra nền kinh tế 9 tháng đầu năm, đưa tổng dư nợ tín dụng hiện hữu của hệ thống lên gần 8,7 triệu tỷ đồng.
Kết quả này được đưa ra trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn. Trong những tháng cuối năm, tín dụng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng đạt 8%-10%.
"Để kích thích kinh tế thì mục tiêu quan trọng nhất là giảm lãi suất cho vay. Muốn làm được việc này ngoài việc người gửi tiền phải chấp nhận giảm thu nhập (do lãi suất huy động giảm) thì các ngân hàng thương mại cũng phải cùng chia sẻ khó khăn. Với số liệu NIM ít thay đổi, có thể thấy sự chia sẻ này từ các ngân hàng thương mại vẫn còn chậm", chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh bày tỏ quan điểm.
Về xu hướng lãi suất sắp tới, ông Linh cho rằng với mặt bằng huy động của ngân hàng nhóm dẫn đầu hiện ~5% và nhóm 2 là ~6%, lãi suất huy động có thể giảm thêm 0,3%-1% trước khi đi vào trạng thái ổn định kéo dài. Đặc biệt, việc một số ngân hàng lớn vừa đưa ra các gói cho vay lãi suất thấp, chỉ từ 5-7% là một tín hiệu đáng mừng/ "Đây sẽ là khởi đầu cho một đợt giảm lãi suất cho vay rộng rãi hơn và tôi rất kỳ vọng nó có thể kéo dài cùng với xu hướng giảm của lãi suất huy động", ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết.
Xem thêm: mth.5755423220110202-man-iouc-gnon-noc-ueil-gnud-nit-gnourt-gnat/nv.ymonocenv