Bầu cử tổng thống Mỹ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3-11 (giờ địa phương) và thông thường kết quả sẽ có vào cuối ngày, nhưng theo trang tin Axios thì ứng viên Cộng hòa – đương kim Tổng thống Donald Trump định sẽ tuyên bố tái đắc cử ngay khi cảm thấy mình có khả năng thắng, chứ không chờ đến khi quá trình kiểm phiếu hoàn tất.
Axios dẫn nội dung một số cuộc trao đổi riêng tư từ ba nguồn tin có liên hệ với ông Trump rằng ông có nói với cấp dưới là ông định sẽ tuyên bố thắng “thậm chí khi kết quả đại cử tri đoàn vẫn còn chưa được xác định và còn phụ thuộc vào một số lượng lớn lá phiếu chưa được kiểm đếm ở một số bang quan trọng như Pennsylvania”.
Để có đủ dữ liệu làm được điều “tuyên bố thắng” sớm thì ông Trump cần phải thắng hay dẫn trước xa ở các bang chiến trường chủ chốt Ohio, Florida, North Carolina, Texas, Iowa, Arizona, và Georgia, theo Axios.
Ứng viên Cộng hòa Donald Trump (phải) và ứng viên Dân chủ Joe Biden (trái) – ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử ngày 3-11? Ảnh: BETTING.BETFAIR.COM
Khi được hỏi về thông tin này, Giám đốc truyền thông đội tranh cử của ông Trump – ông Tim Murtaugh nói với Axios rằng phát ngôn của ông Trump “chẳng có gì nhưng người ta cứ cố gắng tạo nghi ngờ về chiến thắng của ông Trump”.
Đối thủ ông Trump, ứng viên Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhanh chóng lên tiếng cảnh báo.
“Phản ứng của tôi là tổng thống sẽ không đánh cắp cuộc bầu cử này” – ông Biden nói với báo chí tại một điểm vận động tranh cử ở TP Philadelphia (bang Pennsylvania) ngày 2-11.
Ông Biden cũng lên án việc người ủng hộ ông Trump nỗ lực hăm dọa người ủng hộ ông. Ông Biden đề nghị người ủng hộ ở các TP căn cứ địa của đảng Dân chủ hãy đi bỏ phiếu, đừng nản lòng vì các phát ngôn, hành động của phe Cộng hòa.
“Nếu các bạn nói lên tiếng nói của mình, ông ấy sẽ không có cơ hội” – ông Biden nói với cử tri bang Pennsylvania.
Theo nhiều kết quả thăm dò thì ông Biden vẫn đang dẫn trước ông Trump về tỉ lệ ủng hộ chung toàn quốc và dẫn trước chút ít cục diện ở các bang chiến trường. Tuy nhiên trong một cuộc vận động ngày 2-11 ông Trump nói rõ ông không bận tâm đến các kết quả “thăm dò giả”, mà tự tin ông sẽ thắng.
Theo chuyên gia, với tình hình giờ bầu cử đã quá sát thì hai ứng viên không còn có thể làm gì để thuyết phục cử tri ủng hộ mình hay không, mà việc cần làm của họ giờ là kêu gọi các cử tri đã quyết định ủng hộ mình đi bỏ phiếu. Việc cử tri ủng hộ bên nào đi bỏ phiếu nhiều hơn sẽ rất quan trọng với kết quả thắng thua.
Tính tới thời điểm này đã có gần 95 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm, trong số đó tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ nhiều hơn, so với cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa. Riêng trong ngày 1-11 (giờ địa phương) có gần 1,6 triệu cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đi bỏ phiếu, so với 542.000 cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, số cử tri tự do chiếm 238.000.
Luật cấm các bang kiểm các lá phiếu được bỏ sớm này trước 7 giờ sáng ngày bầu cử (3-11), một quy định đảng Dân chủ muốn bỏ nhưng đảng Cộng hòa muốn bảo vệ, lý do vì một phần lớn cử tri Cộng hòa đợi tới ngày 3-11 mới đi bỏ phiếu. Sở sĩ đảng Dân chủ muốn kiểm phiếu sớm vì nếu kết quả bỏ phiếu sớm có lợi cho mình thì điều này sẽ tác động, thu hút các cử tri còn lại cũng đi bỏ phiếu cho ứng viên đảng mình.