Cô Phạm Thị Thứ vừa là cô vừa là mẹ nuôi của học trò Hồ Văn Lan sau khi gia đình em bị vùi lấp - Ảnh: TR.TRUNG
Chính cô hiệu trưởng cũng là cầu nối cho những chuyến xe chở hàng cứu trợ liên tục về với đồng bào nơi đây.
2 trò đã có "mẹ" mới
"Trò Sơ, trò Lan được nhận nuôi sau khi ra trường rồi, tôi cảm động quá. Một đoàn từ nhà chùa cũng báo sẽ lên kế hoạch cùng tôi khảo sát dựng lại cho cha con trò Sơ căn nhà để có nơi thờ mẹ" - cô Thứ đã reo lên khi gọi điện báo cho phóng viên Tuổi Trẻ hôm qua 2-11.
Buổi tối đất sạt xuống xã Phước Lộc, lớp tự học của trường đang tĩnh lặng bỗng vang lên tiếng khóc xé trời của cô học trò lớp 11. Tin làng bị cuốn trôi, mẹ mất tích, cô trò Hồ Thị Sơ không thể nén được lòng mình. Biết tin, cô Thứ đội mưa quay lại trường trong đêm để an ủi học trò. Cô học trò người Giẻ Triêng đã không hề chợp mắt suốt hai ngày liền. Đến hôm nhận được cuộc gọi báo lại tin cha Sơ khi đi làm rẫy đã vô tình thoát được đại họa, Sơ vẫn không thể có niềm vui trọn vẹn khi nghe cha nói đứt đoạn: "Cha bị thương phải băng bó. Mẹ con thì...". Từng tiếng khóc nấc liên hồi tới tận khuya khiến cả trường ai cũng xúc động. Đêm đó cả cô trò cùng khóc, nước mắt lẫn trong tiếng mưa to.
Hôm sau, Sơ được đưa về nhà cô Hoàng Thị Quỳnh Ly, tổ trưởng tổ tư vấn tâm lý, để em vơi bớt nỗi nhớ nhà. Để giữ trò ở lại trường, thầy cô hứa sẽ cùng về làng với em ngay sau khi con đường 25km sạt lở được khắc phục xong.
Bạn hàng xóm của Sơ là trò Hồ Văn Lan mới xa nhà nhập học được hơn một năm. Cả ba người trong gia đình ở nhà đều nằm trong số 11 người mất tích, trong đó em gái và bà ngoại đã tìm thấy thi thể, mẹ thì chưa có thông tin. Học trò trường nội trú mỗi tháng chỉ được về nhà một lần nhưng tháng trước cũng mưa lớn nên hai tháng rồi Lan không về nhà. Vậy là Lan không còn được nhìn thấy những người thân yêu nhất của mình thêm lần nào nữa, vì theo tập tục của người địa phương, bà ngoại và em gái em được an táng ngay sau khi được tìm thấy.
Cầu nối cho những tấm lòng
Ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Phước Sơn có 360 học sinh thì gần 100 em nhà đang trong vùng bị cô lập. Nơi ở của các em là vùng đồi núi heo hút, nhiều nguy cơ sạt lở nên trước thông tin khắp nơi sạt núi, học trò phập phồng lo âu.
20 năm gieo chữ ở Phước Sơn nên cô Thứ có nhiều học trò trong xã. Nhiều người bây giờ đã là cán bộ chủ chốt nên nắm được nhiều thông tin các khu vực. Nhờ vậy trong những ngày qua cô liên tục kết nối thông tin để giúp học trò vơi đi phần nào lo lắng, an tâm ở lại trường học tập.
Cũng nhờ nắm rõ đường đi lối lại từng thôn bản và từ những hình ảnh đau thương trong vùng sạt lở cộng thêm sự nhiệt tình của cô giáo mà nhiều đoàn cứu trợ đã đến được với bà con. Trên những chuyến xe này, câu chuyện về hai học trò không còn chốn dung thân được cô Thứ kể cho nhiều người nghe và thông tin Sơ, Lan đã có những tấm lòng giúp các em có thể tiếp tục chuyện học hành cũng đến từ những lần làm cầu nối của cô Thứ.
"Học trò ở trường mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ một ít sinh hoạt phí nhưng trò Lan lúc nào cũng để dành mua quà về cho đứa em gái mới học lớp 4. Chừ thì Lan không còn cơ hội mua bánh kẹo cho em nữa rồi" - cô Thứ xót xa cho cậu học trò của mình.
TTO - Ngày 2-11, trời hửng nắng, một số người dân huyện Phước Sơn (Quảng Nam) mang liềm lên rẫy vớt vát những bông lúa bị bão đánh tơi tả trên các triền đồi.
Xem thêm: mth.71851428030110202-ort-coh-ohc-em-mit/nv.ertiout