Những ngày giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đã đem lại không khí trong lành trên đường phố TP.HCM vì vắng bóng xe - Ảnh: T.T.D.
Tại buổi tọa đàm "Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam", PGS.TS Hồ Quốc Bằng, chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí, cho biết không khí tại TP.HCM bị ô nhiễm nặng, đang và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống người dân thành phố. Trong đó, hoạt động giao thông chiếm tỉ lệ phát thải cao nhất hầu hết trong các chất gây ô nhiễm. Cụ thể, hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng chất phát thải CO2 của toàn TP.HCM. Chỉ riêng với khói bụi phát ra từ khí thải xe máy và do ma sát mặt đường, thắng xe, lốp xe cũng đã chiếm tỉ lệ đến 37,7%.
Tương tự, nói đến Hà Nội, GS Phạm Ngọc Đăng - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - đã cảnh báo có hơn 70% bụi mịn siêu vi trong không khí thải ra từ các phương tiện xe máy và ôtô.
Bài học từ các nước
TP.HCM có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân (số liệu vào năm 2019), tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có hơn 825.000 ôtô (tăng gần 16%) và 8,12 triệu xe máy (tăng hơn 6%). Trong 10 năm, tính từ năm 2010, tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông.
Hà Nội tăng phương tiện giao thông cá nhân cũng đáng kể. Năm 2008, Hà Nội chỉ có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185.000 ôtô; sau 10 năm đã lên tới 6 triệu phương tiện, cao gần 3 lần, trong đó có hơn 540.000 ôtô và 5,4 triệu xe máy.
Sở dĩ phương tiện xe cá nhân tăng cao là do giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù trong nhiều năm liên tục, chính quyền TP Hà Nội và TP.HCM đã đầu tư mua mới hàng loạt xe buýt và chi một khoản tiền không nhỏ để trợ giá, song thực tế người dân đến với xe buýt còn khá ít, đáng báo động thời gian gần đây.
Ở những thành phố lớn trên thế giới, việc kiểm soát khí thải gắn liền với giải pháp hạn chế giao thông cá nhân, cấm hẳn xe máy nhờ thực hiện bài bản theo quy hoạch, phương tiện công cộng kết nối thuận lợi như Paris (Pháp), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha)... Hay như ở Trung Quốc đã cấm hẳn xe máy tại hai thành phố lớn là Thượng Hải và Quảng Châu, chính quyền cũng đã lên kế hoạch hàng chục năm để chuẩn bị, xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, mua thêm xe buýt. Đặc biệt, tạo điều kiện cho người dân sử dụng giao thông công cộng, không cho đăng ký mới và mua lại xe máy cũ của người dân rồi đưa về các vùng quê có nhu cầu sử dụng hoặc thanh lý tùy loại xe.
Hà Nội và TP.HCM với thực trạng là đô thị đang phát triển, khu vực trung tâm hiện có hàng trăm nghìn ngõ ngách cùng hẻm sâu mà đi bộ thì khá xa, xe buýt thì không vào được. Dân cư từ nhiều nơi đến sinh sống, học tập, làm việc... Phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy được cho là tiện lợi, phù hợp khả năng của số đông.
Hai thành phố này trước sau gì cũng phải hạn chế rồi tiến tới cấm xe máy không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn giảm kẹt xe và hướng đến đô thị văn minh, hiện đại.
Từng bước, từng bước một...
Khả năng hạn chế giao thông cá nhân, cấm xe máy có thành công hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị chu đáo từng bước một, thực hiện có lộ trình một cách thật cương quyết. Cụ thể, tháo bỏ dần các rào cản như chuyển đổi hợp lý, xử lý phương tiện quá niên hạn, không cho phép lưu thông đối với xe quá cũ hoặc không đảm bảo an toàn. Từ đó, khu vực nào đủ điều kiện, phương tiện công cộng đáp ứng thì hạn chế dần và tiến tới ngừng đăng ký mới.
Đồng thời, ngay bây giờ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tiện nghi, hiện đại. Metro và đường sắt đô thị cần kịp hoàn thành phục vụ vận chuyển hành khách với khối lượng lớn và khi đưa vào khai thác phải kết nối giao thông cho thuận lợi về đi lại, giá rẻ, thời gian. Mạng lưới xe buýt nên được rải đều, phủ rộng sao cho hành khách đi bộ từ chỗ ở đến trạm xa nhất từ 200-500m, giờ giấc xuất phát tại các bến đỗ và đến nơi dừng phải khá chính xác, hành khách không phải chờ đợi quá lâu.
Triển khai giải pháp giảm khí thải và tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, khối lượng công việc rất đồ sộ, liên quan đến nhiều ban ngành, cơ quan, đơn vị. Cần một "nhạc trưởng" đủ thẩm quyền để phân công nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân và cụ thể hóa trách nhiệm. Hơn nữa, kịp chỉ đạo, điều phối các công việc được thực hiện đúng lộ trình đã đặt ra.
Nên quy định thời hạn sử dụng của xe máy
Trong một lần tham quan du lịch TP Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi không thấy xe máy lưu thông trên đường phố nên hỏi người hướng dẫn viên du lịch người bản xứ rằng: "Chính quyền đã cấm xe máy bằng cách nào?". Người hướng dẫn viên nói: "Chính quyền TP cùng lúc áp dụng hai biện pháp: Một là quy định thời hạn sử dụng xe máy chỉ trong 15 năm, nếu tiếp tục sử dụng sau 15 năm sẽ bị tịch thu và tiêu hủy. Hai là không cho phép đăng ký xe máy mới ở khu vực nội đô TP. Như vậy sau 15 năm triển khai thực hiện cùng lúc hai giải pháp, TP Bắc Kinh không còn xe máy lưu thông khu vực nội đô vì số xe đã đăng ký hết hạn sử dụng và số xe mới cũng không được đăng ký". Từ kinh nghiệm của TP Bắc Kinh, tôi nghĩ TP.HCM nên quy định thời hạn "đát" lưu thông của xe máy khu vực nội thành nhằm giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường sống.
Bên cạnh đó, TP nên có chính sách khuyến khích nhiều người sử dụng các loại xe điện, nhất là học sinh và người cao tuổi. Để người tiêu dùng an tâm khi mua sắm xe điện, ngành chức năng nên có quy định loại xe điện được kinh doanh buôn bán, đồng thời kiểm tra chất lượng giá cả các loại xe điện bày bán trên thị trường. Ngày nay xe máy là phương tiện chủ yếu để đi lại, vận chuyển và cả "kiếm ăn" của hàng ngàn, hàng triệu người Việt Nam, do vậy chủ trương hạn chế xe máy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hầu hết gia đình sống trên địa bàn TP, do vậy cần có các phương tiện giao thông công cộng phù hợp đáp ứng nhu cầu của người dân.
bthien1950@...
Những chiếc “xe mù” như thế này không thể lưu thông trên đường phố - Ảnh: T.T.D.
Đủ cương quyết, sẽ thay đổi
Môi trường sống của chúng ta hiện nay đang ở mức ô nhiễm hết sức nặng nề, đó là hậu quả của việc thiếu cương quyết trong quản lý. Cụ thể ở đây tôi muốn đề cập đến việc rất nhiều xe máy không đủ điều kiện đưa vào lưu thông song vẫn ngang nhiên hoạt động giữa thanh thiên bạch nhật. Đi trên đường, chúng ta rất dễ bắt gặp những chiếc xe gọi là xe chắp vá, như cục sắt di động, xả khói mù mịt... Những chiếc xe này chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy nó vi phạm luật và phải loại bỏ khỏi môi trường giao thông.
Để "giảm thiểu ô nhiễm từ khí thải xe" một cách căn cơ hiệu quả và lâu dài, điều tiên quyết là phải mạnh mẽ thay đổi cách làm. Cách làm đúng, phù hợp sẽ cho ra sản phẩm tốt, điều đó có ý nghĩa quyết định sự thành bại của chương trình quốc gia về giảm ô nhiễm khí thải. Vì vậy, hãy quyết liệt loại bỏ những phương tiện lưu thông nói trên một cách thật cương quyết. Nếu có những đợt cao điểm hay chiến dịch lập lại trật tự giao thông, hãy đưa những phương tiện nói trên vào chủ đề quyết liệt chứ khoan tốn sức cho những chiến dịch như kiểm tra mũ bảo hiểm, kính chiếu hậu… Tôi cũng là một người nghèo, nhưng tôi không đồng tình với việc nghèo là được ngó lơ nếu vi phạm (có không ít người vẫn lấy lý do nghèo ra để biện minh cho việc những chiếc xe cà tàng tham gia giao thông).
Nếu TP quyết tâm làm, tôi xin đề xuất: Chọn lấy một tháng làm chiến dịch nói không với xe không đủ điều kiện lưu thông. Nên có thưởng (hoặc gọi là hỗ trợ) cho những ai tự nguyện giao nộp những phương tiện đã quá cũ, không đủ điều kiện tham gia giao thông. Sau một tháng đó, lập các trạm kiểm soát liên ngành, xử phạt thật nghiêm và tịch thu các phương tiện quá "đát", thiếu hợp lệ…
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn
Trên trang báo này là ba bài viết của bạn đọc gửi đến tham gia diễn đàn "Giảm thiểu ô nhiễm từ khí thải xe". Mời bạn đọc, chuyên gia tiếp tục tham gia hiến kế, viết bài. Mọi thư từ bài vở gửi về email:baoky@tuoitre.com.vn.
TTO - Xe công nghệ lấn át xe buýt? Không phải là sự yếu thế của xe buýt, đây chính là thất bại quản lý giao thông đô thị.
Xem thêm: mth.17810949030110202-iaht-ihk-maig-ed-nahn-ac-ex-ehc-nah/nv.ertiout