Ngày 2/11, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam với cựu thiếu tá Nguyễn Bằng Giang (39 tuổi, Phó trưởng Công an xã Song An) và cựu trung tá Hoàng Hồng Hạnh (42 tuổi, nguyên Đội trưởng đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, thuộc Công an huyện Vũ Thư) để điều tra, làm rõ hành vi "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc bắt hai cán bộ nêu trên có liên quan đến vụ cố ý gây thương tích, gây tổn hại 44% sức khỏe một chủ xe khách do "đàn em" Đường Nhuệ gây ra.
Sự việc sau đó được cho là dàn xếp và công an huyện Vũ thư không khởi tố vụ án.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) nêu quan điểm, từ khi băng nhóm tội phạm Đường Nhuệ bị phanh phui, rất nhiều ý kiến cho rằng, đã có "thế lực" bao che, tiếp tay thì chúng mới có thể hoành hành suốt một thời gian dài, khiến dư luận hoang mang, bức xúc.
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao làm rõ là hành vi cố ý gây thương tích của nhóm đối tượng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm trong việc đấu tranh xử lý tội phạm, người thụ lý hồ sơ lại đứng ra "dàn xếp", dung túng để chuyển hóa vụ án thành quan hệ dân sự.
Nguyễn Xuân Đường.
Theo luật sư Cường, quy định của pháp luật về hành vi cố ý gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe nạn nhân 11% thì mới khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại. Trường hợp đối tượng dùng hung khí nguy hiểm chém đứt gân, cơ tay chân của nạn nhân như trong vụ án nêu trên không còn thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại", luật sư Cường phân tích.
Đối với việc khởi tố hai cán bộ công an về "Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" theo Điều 375 Bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất cho tội danh này lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Cũng theo luật sư Cường, người ban hành các quyết định không khởi tố vụ án trên mà biết rõ hành vi có dấu hiệu tội phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 371, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.
"Cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, vai trò, nhận thức của người đã ký quyết định không khởi tố vụ án trong vụ việc này để xác định hành vi có lỗi hay không....nếu biết rõ là có dấu hiệu tội phạm nhưng vẫn cố tình ký quyết định không khởi tố thì phải xử lý hình sự về tội ‘Ra quyết định trái pháp luật’", luật sư Cường nêu.