Học sinh Trường THCS Hưng Phú (TP Cần Thơ) trong một tiết học STEM - Ảnh: VĨNH HÀ
Theo ông Độ, học sinh lớp 5 đang học chương trình hiện hành, nhưng năm học 2021-2022 sẽ học lớp 6 theo chương trình 2018. Tương tự, học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 của năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu học lớp 10 theo chương trình 2018 vào năm học 2022-2023.
Để học sinh tiệm cận dần với nội dung, phương pháp dạy học, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ điều chỉnh chương trình giáo dục lớp 5, lớp 9 hiện hành.
Bài học từ lớp 1
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay một phần nguyên nhân khiến việc thực hiện chương trình lớp 1 vừa qua có một số khó khăn vì chất lượng đầu ra của mầm non năm nay chưa đảm bảo.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trẻ mầm non 5 tuổi phải nghỉ học kéo dài, không được làm quen mặt chữ như yêu cầu của chương trình mầm non 5 tuổi. Trẻ cũng không có 2 tuần đệm để ổn định nề nếp, tâm lý làm quen với cách học tập mới. Bất cập này làm cho việc dạy học lớp 1 theo chương trình mới gặp lúng túng.
Nhiều giáo viên đảm nhận dạy lớp 1 chỉ qua đợt tập huấn, chưa đủ thấm để hiểu yêu cầu dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh nên chủ yếu vẫn chỉ bám vào nội dung kiến thức trong sách giáo khoa để dạy khiến trẻ lớp 1 bị quá tải, khó tiếp thu.
"Từ thực tế đó càng cho thấy phải đặc biệt quan tâm chuẩn bị thật tốt chất lượng đầu ra của lớp 5, lớp 9, đáp ứng được chuẩn đầu vào của lớp 6, lớp 10 theo chương trình mới" - ông Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
Ưu tiên biên soạn tài liệu dạy học
Trao đổi cụ thể về hướng điều chỉnh, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết đối với nội dung đang có trong chương trình hiện hành nhưng không có trong chương trình 2018 thì sẽ tinh giản theo các cách: không dạy, không thực hiện với các nội dung kiến thức không cần sử dụng để học các kiến thức môn học khác trong chương trình. Hướng dẫn học sinh tự học hoặc tích hợp vào nội dung bài học, chủ đề dạy học của môn học cần sử dụng kiến thức đó.
Đối với nội dung có trong chương trình 2018 nhưng không có trong chương trình hiện hành thì phải bổ sung bằng cách đưa vào các chủ đề dạy học thích hợp, đảm bảo yêu cầu cần đạt theo chương trình mới hoặc xây dựng chủ đề mới tùy theo thời điểm phù hợp. Những nội dung kiến thức có trong cả 2 chương trình thì vẫn phải điều chỉnh cách tiếp cận, từ mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng đến yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực.
"Do chưa có sách giáo khoa của các môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình 2018 từ lớp 2 trở lên nên cần ưu tiên hướng dẫn tổ chức dạy học những nội dung kiến thức được bổ sung vào chương trình hiện hành. Học sinh phải được cung cấp tài liệu về những nội dung kiến thức mới để chủ động học tập theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo" - ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Cũng theo ông Thành, bậc trung học từ nhiều năm nay đã triển khai thử nghiệm và mở rộng đại trà nhiều nội dung theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể là triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Theo đó, mỗi nhà trường sẽ căn cứ vào chương trình GD của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chủ động xây dựng thời khóa biểu cho việc dạy học, hoạt động giáo dục.
Các trường chủ động triển khai các hình thức giáo dục linh hoạt, sáng tạo: dạy học qua dự án, qua hoạt động trải nghiệm, thực hành, nghiên cứu khoa học, dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn gắn với sản xuất kinh doanh, gắn với di sản, những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, dạy học STEM…
Thành quả của cách "chuyển hướng từ từ" này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức hóa bằng các quy định như điều lệ trường tiểu học, trường THCS và THPT, thông tư quy định việc đánh giá học sinh, hướng dẫn tinh giản chương trình theo hướng xây dựng chủ đề dạy học...
Ông Nguyễn Xuân Thành:
Kịp thời xử lý những hạn chế, bất cập
Việc thực hiện nội dung dạy học tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là một cách "tập huấn giáo viên" ngay trong thực tế dạy học về cách tổ chức lớp học, phương pháp dạy học, đánh giá. Trong quá trình thực hiện này sẽ bộc lộ những hạn chế, bất cập để các nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục nhìn rõ, kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ để khi chính thức triển khai chương trình giáo dục 2018 đảm bảo yêu cầu tốt hơn.
TTO - Học sinh đang học chương trình lớp 5, lớp 9 hiện hành sẽ được bổ sung kiến thức của chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tiệm cận với yêu cầu giáo dục mới. Đây là việc đang được Bộ Giáo dục và Đào tạoT triển khai.
Xem thêm: mth.2792111230110202-9-pol-5-pol-hnirt-gnouhc-hnihc-ueid-pas/nv.ertiout