Di dời dân xã Sơn Long (Sơn Tây, Quảng Ngãi) nơi vừa xảy ra hai vụ sạt lở - đến nơi an toàn trước khi bão số 10 đổ bộ - Ảnh: T.M.
Việc di dời người dân đến nơi ở mới an toàn là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của khu vực miền Trung còn nhiều khó khăn, chưa cùng lúc giải quyết triệt để thì chính sự sâu sát của chính quyền, người dân là thật sự cần thiết.
Ông Đặng Văn Minh
Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng thành công này nhờ vào sự sâu sát của chính quyền địa phương, đi từng làng, nhìn từng khe suối, quả đồi, phát hiện nguy hiểm lập tức di tản người dân, thậm chí phải cưỡng chế.
Tính từ đầu mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ngãi ra hàng chục văn bản, yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra khu vực nguy hiểm và lên phương án di dời. Cả Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi phân chia từng địa bàn đi kiểm tra, làm việc trực tiếp với các địa phương. Chuẩn bị đối phó với bão số 10, tỉnh này cũng vào cuộc với tinh thần ấy.
Trong chiều 3-11, các huyện miền núi tại Quảng Ngãi như Minh Long, Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây đã tiến hành di dời dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Lực lượng chức năng vận động người dân nếu không có việc cấp thiết tuyệt đối không rời khỏi nơi tránh trú để quay về nhà.
Ông Phùng Tô Long, phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết địa phương đang lên phương án tổ chức sơ tán 21 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở làng Bồ, thị trấn Di Lăng. "Đây là ngôi làng có nguy cơ sạt lở, phải chủ động ứng phó, không chờ đợi có dấu hiệu rõ rệt mới di dời dân" - ông Long nói.
Trong đợt bão số 9, huyện Sơn Tây xảy ra 3 điểm sạt lở lớn, vùi lấp nhiều xóm làng. Tuy nhiên, tất cả người dân đã di dời đến khu vực tránh trú sạt lở từ trước. Ứng phó bão số 10, huyện này tiếp tục sơ tán 630 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu tại 52 điểm có nguy cơ sạt lở. Ông Đinh Quang Ven, chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết năm nào địa phương cũng xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ.
Còn ông Đặng Văn Minh cho biết trong cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác khắc phục hậu quả bão số 9, các địa phương mong muốn có bản đồ cảnh báo sạt lở tỉ lệ nhỏ (1/500) để có thể kịp thời ứng phó với lũ quét, sạt lở ở miền núi.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng bản đồ cảnh báo sạt lở là cơ sở dữ liệu thật sự cần thiết nhưng trong khi chờ bản đồ, có một "bản đồ" khác phát huy hiệu quả không kém đó là thông tin của người dân và sự sâu sát của chính quyền.
"Tôi nghĩ nếu lãnh đạo, cán bộ địa phương cấp cơ sở cùng người dân chung tay rà soát kỹ và chủ động di chuyển đến nơi tránh trú bão an toàn, thiệt hại do thiên tai gây ra chắc chắn sẽ giảm thiểu đến mức tối đa" - ông Minh nói.
TTO - Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động sơ tán hàng nghìn người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở núi và ngập trũng để sẵn sàng ứng phó với bão số 10.
Xem thêm: mth.61012622230110202-iod-auq-ious-ehk-gnut-nihn-gnal-gnut-id-iagn-gnauq/nv.ertiout