Giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid-19 vừa qua, tuy có những tác động tiêu cực đến thị trường, các doanh nghiệp bất động sản nói chung, các sàn giao dịch bất động sản nói riêng, nhưng cũng là cơ hội để các sàn giao dịch có thời gian cơ cấu lại, nghiên cứu ra phương thức hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.
Có thể nói, trong năm 2020, bên cạnh mảng bất động sản nghỉ dưỡng thì các sàn giao dịch bất động sản là bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về tác động này?
Ảnh hưởng của 2 đợt dịch bệnh Covid-19 là cực kì nghiêm trọng, tác động tiêu cực và ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ thống của thị trường bất động sản Việt Nam. Thời gian dịch bệnh, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất trong tất cả các ngành nghề. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%; số còn lại khoảng 200 sàn thì hoạt động cầm chừng.
Do đại dịch nên một số doanh nghiệp yếu về tài chính đã không có nguồn thu để trả lương cho người lao động và thanh toán các nghĩa vụ tài chính đến hạn cho Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có thể tích lũy vốn thì cũng đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai đầu tư dự án.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm giảm giao dịch bất động sản không phải do Covid gây ra mà là do những bất cập nội tại của thị trường này?
Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phát triển dự án bất động sản tại Hà Nội, Tp.HCM trong khoảng thời gian 2-3 năm trở lại đây rất ì ạch. Tại Hà Nội, gần như không có dự án mới được phê duyệt đầu tư ở giai đoạn này. Các dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cung cấp sản phẩm cho thị trường một cách từ từ, nhỏ giọt. Trung bình nguồn cung mới ra thị trường Hà Nội chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ cho một thành phố có gần mười triệu dân.
Còn với Tp.HCM, số lượng các dự án đô thị và nhà ở tại địa phương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ giai đoạn trước cũng gặp cực kỳ nhiều khó khăn trong phê duyệt ở tất cả các khâu (quy hoạch, cấp phép xây dựng, đủ điều kiện tham gia thị trường...).
Bên cạnh đó, thị trường còn biểu hiện nhiều bất cập về cung – cầu. Trong lượng cung mới từ các dự án bất động sản tại Hà Nội, Tp.HCM rất hiếm dòng sản phẩm thuộc phân khúc bình dân - phân khúc đang có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất, đạt khoảng 70%. Các phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp chỉ khoảng 10% thì lại đang chiếm nguồn cung chủ đạo trên thị trường.
Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ.
Nếu như ở vào thời điểm thị trường trầm lắng trước kia, giá bán nhà thường giảm mạnh thì tại sao giai đoạn khó khăn hiện nay, giá bán lại tăng ở hầu hết các phân khúc?
Khủng hoảng của thị trường hiện nay khác với những giai đoạn trước. Trước là thừa cầu, thiếu cung, còn nay thì ngược lại. Do khan hiếm nguồn hàng chính thống, thủ tục thực hiện dự án ngày càng khó khiến giá căn hộ các phân khúc đều đang ở ngưỡng trần.
Vì thế, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Hà Nội có xu hướng tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Hòa Lạc... Đây là những địa phương có chủ trương phát triển thành quận, có sự quan tâm nghiên cứu đầu tư của những nhà phát triển bất động sản lớn của Việt Nam, có công bố quy hoạch cho sự phát triển đô thị.
Nhưng thực tế đầu tư thì chưa hề ghi nhận hiện tượng nào và đến bao giờ những địa phương này có sự đầu tư đủ điều kiện nâng cấp thành quận, thành đô thị? Câu trả lời sẽ là khó đoán. Hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt. Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn đồng. Nay đã lên đến vài triệu, vài chục triệu/m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu/m2.
Đồng thời xuất hiện nghịch lý: giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30-40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại Tp.HCM, do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao, dẫn đến giá căn hộ tại thành phố này tăng vọt và tỷ lệ hấp thụ luôn ở mức cao. Cũng vì khan hiếm nguồn hàng dự án nên nhiều nhà đầu tư phải tìm đến đất nền tại các huyện ven đô. Tạo ra sự tăng giá mạnh cho đất đai tại một số huyện như: Bình Chánh, Gò Vấp, Củ Chi... Giá dao động từ 30-50 triệu đồng (tăng từ 10-15%).
Điều này liệu có gây ra hệ luỵ không tốt cho thị trường, thưa ông?
Giá đất ở những địa phương trước đây phát triển nóng, nhanh, dẫn đến đẩy giá đất tăng mạnh, nhiều nơi vượt ngưỡng giá trị thật của thị trường. Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này. Thực trạng đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Vậy theo ông, trong thời gian tới, liệu thị trường bất động sản có khắc phục được những khó khăn hiện tại, hồi phục và phát triển?
Trong quý 3 vừa qua, giao dịch trên toàn thị trường đạt 26.299/73.933 sản phẩm, tương đương 35,5%. Con số này giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, 2019 nhưng tăng so với quý 1 và quý 2, cho thấy thị trường bất động sản càng về cuối năm, càng có sự phục hồi đáng kể.
Thời gian tới, khi Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh Covid 19, kinh tế trong nước hồi phục, có tăng trưởng dương, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường bất động sản ấm nóng, phục hồi trở lại. Trong năm nay, nguồn hàng tại các dự án bất động sản do các doanh nghiệp triển khai, tiếp tục không có nhiều thay đổi, khan hiếm nguồn hàng mới tại các đô thị lớn vẫn diễn ra.
Tôi cho rằng hầu hết thị trường cả nước không có biến động về giá. Tuy nhiên, hiện tượng săn tìm đất trong dân ở những địa phương bị đồn thổi thông tin sẽ có chiều hướng gia tăng. Điều này vô tình tạo ra nhiều thị trường giao dịch không chính thống, không được kiểm soát. Đặc biệt là tạo bong bóng giá cả và thị trường ảo.
Nhìn chung, dịp cuối năm, làn sóng đầu tư, mua sắm có thể sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản cả nước. Các địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản hiện cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút và khai thác hiệu quả trong giai đoạn cuối năm này.
Xin ông cho biết những giải pháp cụ thể đó là gì?
Ngay sau thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản đã bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.
Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản cũng đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Các sàn giao dịch bất động sản cũng đã phục hồi nhanh chóng và hầu hết đã hoạt động trở lại. Tính đến thời điểm này, ước tính khoảng 15% sàn vẫn phải đóng cửa hoạt động, nhưng số lượng sàn thành lập mới tăng khoảng 20%. Như vậy, sau đợt cao điểm của dịch Covid thì số lượng sàn giao dịch bất động sản hoạt động gần như không thay đổi, thậm chí có xu hướng tăng.
Đồng thời, các sàn giao dịch có tiềm lực tài chính đã bắt đầu khởi động lại, hoạt động với những kế hoạch kinh doanh và phương thức kinh doanh mới như bán hàng trực tuyến, áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý thông tin, quản lý giao dịch, thanh toán, quảng cáo, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng ngày càng tốt hơn.
Xem thêm: mth.92561636140110202-noh-peihgn-neyuhc-es-nas-gnod-tab-gnourt-iht/nv.ymonocenv